tôi thấy cả hai rụng rời, chết điếng, không đáp lại một lời nào; đặc biệt
tôi thấy con người ngạo mạn vênh váo kia cụp mắt nhìn xuống, chẳng
dám chống đỡ những tia lửa của ánh mắt tôi; nhưng cùng lúc ấy, trong
thâm tâm, anh ta thề diệt tôi, và tôi tin chắc họ bàn tính điều này trước
khi chia tay nhau.
Gần như cùng thời gian ấy, cuối cùng tôi nhận được từ bà
D’Houdetot thư trả lời của Saint-Lambert (Tập A, số 57), vẫn ghi nơi
viết là Wolfenbuttel, ít ngày sau khi anh bị tai biến, đáp lại bức thư của
tôi, đã chậm trễ quá lâu trên đường vận chuyển. Thư trả lời ấy đem lại
cho tôi những niềm an ủi mà tôi rất cần trong thời điểm này, qua
những bằng chứng về niềm quý trọng và tình bạn đầy ắp trong thư,
khiến tôi có can đảm và sức mạnh để xứng đáng với những điều đó.
Từ khi ấy tôi thực hiện nghĩa vụ của mình; nhưng thường xuyên, nếu
như Saint-Lambert ít biết lẽ phải hơn, ít quảng đại hơn, ít quân tử hơn,
thì tôi nguy khốn vô phương cứu vãn.
Thời tiết chuyển sang xấu, và mọi người bắt đầu rời miền quê. Bà
D’Houdetot ghi cho tôi ngày bà định đến từ biệt thung lũng, và hẹn
gặp tôi ở Eaubonne. Tình cờ ngày ấy cũng là ngày bà D’Épinay rời
Chevrette để đến Paris chuẩn bị nốt cho chuyến đi. May thay bà đi vào
buổi sáng, và từ biệt bà xong, tôi còn kịp đến ăn trưa với em chồng bà.
Tôi có bức thư của Saint-Lambert trong túi; vừa đi đường tôi vừa đọc
lại nhiều lần. Bức thư ấy là tấm khiên bảo vệ tôi chống lại sự yếu đuối.
Tôi quyết định và thực hiện quyết định chỉ còn coi bà D’Houdetot là
bạn của mình và là tình nương của bạn mình, và tôi ở bốn năm giờ
đồng hồ mặt đối mặt với bà trong một trạng thái an tĩnh tuyệt diệu, vô
cùng đáng ưa thích hơn, ngay cả về sự thụ hưởng, so với những cơn
sốt hừng hực mà cho đến bấy giờ tôi thường lâm phải khi ở bên bà. Vì
biết quá rõ lòng tôi không thay đổi, nên bà cảm kích trước những cố
gắng của tôi để tự chiến thắng; bà càng quý trọng tôi hơn, và tôi có
được niềm vui thấy tình thân của bà đối với mình không hề nguội tắt.
Bà báo tin Saint-Lambert sắp trở về, mặc dù đã hồi phục khá tốt sau