những người đến thăm chính mình bắt gặp, và phải quay về cùng với
họ. Hai ngày sau, tôi lại đi; ông đã dự tiệc tại Paris cùng cả gia đình.
Một lần thứ ba ông có nhà: tôi nghe những tiếng nói của phụ nữ, tôi
nhìn thấy ngoài cổng một cỗ xe ngựa bốn bánh khiến tôi sợ, Tôi muốn
ít ra, lần đầu tiên, được thăm ông thoải mái, và trò chuyện với ông về
những quan hệ xưa kia của chúng tôi. Rốt cuộc tôi hoãn cuộc thăm hỏi
ngày này qua ngày khác, thành thử nỗi hổ thẹn vì thực hiện chậm trễ
đến thế một bổn phận như vậy khiến tôi chẳng hề thực hiện nó: sau khi
đã dám chờ đợi thật lâu, tôi không dám ló mặt ra nữa. Thái độ hờ hững
này, mà ông Le Blond chỉ có thể tức giận một cách chính đáng, khiến
cho đối với ông sự lười nhác của tôi có vẻ vô ơn; ấy thế mà tôi cảm
thấy lòng mình rất ít tội lỗi, thành thử nếu tôi có thể mang lại cho ông
Le Blond một niềm vui thực thụ nào đó, ngay cả khi ông không biết,
tôi tin chắc ông sẽ không thấy tôi lười nhác. Nhưng trạng thái uể oải,
sự luộm thuộm, và thời hạn của những nghĩa vụ nho nhỏ phải thực
hiện, đã khiến tôi mắc sai trái nhiều hơn là những tật xấu lớn. Những
lỗi lầm tệ hại nhất của tôi là do bỏ sót: tôi hiếm khi làm những gì
không nên làm, và rủi thay tôi còn hiếm làm hơn nữa những gì nên
làm.
Bởi đã nhắc lại những mối quen biết cũ ở Venise, tôi không được
quên một mối quen biết có liên quan đến thời đó và chỉ gián đoạn,
cũng như các mối quen biết khác, từ thời gian gần hơn nhiều. Đó là
ông De Joinville, từ khi ở Gênes trở về, vẫn tiếp tục thân tình với tôi.
Ông rất thích gặp tôi và trò chuyện về những công việc bên Ý và
những sự điên rồ của ông De Montaigu, mà về phần mình ông biết rất
nhiều điều qua các văn phòng ngoại giao nơi ông có nhiều quan hệ.
Tôi cũng có niềm vui gặp lại anh bạn cũ Dupont tại nhà ông, anh đã
mua một chức vụ ở tỉnh anh, và công việc khiến anh thỉnh thoảng trở
lại Paris. Dần dà ông De Joinville trở nên rất sốt sắng muốn gặp gỡ tôi
đến mức thành phiền toái, và mặc dù chúng tôi ở những khu rất xa