bày tỏ, chỉ trong một ý, những gì tôi nghĩ về những nội các trước, và
về nội các đang bắt đầu làm lu mờ những nội các kia. Trong trường
hợp này, tôi không theo phương châm bền vững nhất của mình, hơn
nữa, tôi lại không nghĩ rằng, khi mình muốn khen và chê kịch liệt
trong cùng một đoạn văn, mà không nêu tên mọi người, thì phải làm
cho lời khen hết sức hợp với những người được khen, sao cho lòng tự
ái đa nghi nhất cũng không thể nhầm lẫn điều nọ với điều kia. Về
chuyện này tôi an tâm một cách rồ dại đến mức thậm chí chẳng thoáng
nghĩ rằng ai đó có thể để cho bị lừa. Mọi người sẽ thấy liệu tôi có lý
hay không.
Một trong những may mắn của tôi là trong các mối quan hệ bao
giờ cũng có các nữ tác giả. Tôi tưởng rằng trong giới quyền quý, ít ra
mình cũng tránh được cái may đó. Không hề: nó còn theo tôi đến tận
nơi ấy. Tuy nhiên bà De Luxembourg, theo tôi biết, không bao giờ
mắc tật này; nhưng bà bá tước De Boufflers thì mắc phải. Bà làm một
bi kịch bằng văn xuôi, thoạt tiên được đọc, được lưu hành, rồi được
tán dương trong giới giao du của hoàng thân De Conti, và chưa hài
lòng về bao nhiêu lời khen ngợi, bà còn muốn hỏi ý kiến tôi để có
được lời khen của tôi. Bà có được lời khen, nhưng vừa phải, như tác
phẩm đáng được. Bà còn được thêm lời khuyến cáo, mà tôi cho là có
nghĩa vụ đối với bà, rằng vở kịch, nhan đề Người nô lệ hào hiệp,
tương tự rất nhiều với một vở kịch Anh, khá ít người biết, tuy thế đã
được dịch, nhan đề Oroonoko. Bà De Boufflers cảm ơn tôi về lời
khuyến cáo, song vẫn đoan chắc với tôi rằng vở kịch của bà không hề
giống vở kia. Tôi chưa từng nói với một người nào trên đời về việc
đạo văn này ngoài một mình bà, và nói với bà là để thực hiện một
nghĩa vụ bà đã áp đặt cho tôi; điều ấy không ngăn cản tôi từ đó nhiều
lần nhớ lại số phận của Gil Blas bên ngài giám mục thuyết pháp