không ngừng nói với tôi về cuốn sách đó, nhưng bao giờ cũng hết sức
dè dặt. Ông biết và không biết người ta in nó ở Pháp; ông biết và
không biết vị pháp quan can dự vào đó: trong khi phàn nàn cho tôi về
những rắc rối mà cuốn sách sẽ đem lại, dường như ông kết tội tôi là
dại dột bất cẩn, mà không bao giờ muốn nói sự dại dột bất cẩn ấy ở
chỗ nào; ông không ngừng quanh co và nấn ná; dường như ông chỉ nói
với tôi để làm cho tôi nói. Khi đó, tôi hoàn toàn an tâm, thành thử tôi
bật cười vì giọng điệu thận trọng và bí ẩn của ông, như cười một tật bị
nhiễm từ các bộ trưởng và các pháp quan, ông lui tới văn phòng các vị
ấy khá thường xuyên. Chắc chắn là mình hợp thể thức về mọi phương
diện, vững tin rằng tác phẩm chẳng những được vị pháp quan đồng ý
và bảo hộ, mà thậm chí còn xứng đáng và được nội các ưu ái, tôi
mừng vì mình có can đảm làm tốt, và tôi cười những bạn bè nhát gan
của mình, có vẻ lo lắng cho mình. Duclos thuộc số bạn này, và xin thú
thật là niềm tin ở sự ngay thẳng và sự sáng suốt của ông lẽ ra có thể
khiến tôi noi gương ông mà lo sợ, nếu như tôi bớt tin ở tính hữu ích
của tác phẩm và ở đức chính trực của những người bảo hộ nó. Ông từ
nhà ông Baille đến thăm tôi, trong khi Émile đang in, ông nói với tôi
về tác phẩm: tôi đọc cho ông nghe Tuyên tín của linh mục trợ tế miền
Savoie. Ông lắng nghe rất bình tĩnh, và dường như rất thích thú. Khi
tôi đọc xong ông bảo: “Thế nào cơ, Người công dân? Cái này ở trong
một cuốn sách in tại Paris sao? - Vâng, tôi bảo ông, và lẽ ra phải in tại
Louvre
, theo lệnh Đức Vua. - Tôi đồng ý như vậy, ông bảo; nhưng
làm ơn đừng nói với ai là anh đã đọc cho tôi nghe đoạn này.” Cách
phát biểu cảm nghĩ đáng kinh ngạc ấy khiến tôi ngạc nhiên song
không khiến tôi hoảng sợ. Tôi biết Duclos rất hay gặp ông De
Malesherbes. Tôi khó mà hiểu được tại sao ông suy nghĩ khác biệt với
ông này đến thế về cùng một điều.
Tôi sống ở Montmorency từ hơn bốn năm nay, mà không được
một ngày nào khỏe mạnh. Mặc dù không khí rất tốt, song nước lại xấu,