cũng giới hạn ở đoạn này, nhưng không sợ phát biểu niềm xúc động
khi đọc sách, và bày tỏ với tôi, đây là ngôn từ của chính ông, rằng việc
đọc ấy đã sưởi ấm tâm hồn già nua của ông: trong tất cả những người
tôi đã gửi tặng sách, ông là người duy nhất nói lên một cách công khai
và thẳng thắn với toàn thể mọi người tất cả điều hay điều tốt ông nghĩ
về nó.
Mathas, mà tôi cũng tặng một cuốn trước khi sách được đưa ra
bán, cho ông De Blaire mượn, ông là ủy viên Pháp viện, thân phụ của
quan giám sát Strasbourg. Ông De Blaire có một nhà nghỉ nông thôn
tại Saint-Gratien, và Mathas, người quen cũ, thỉnh thoảng đến đó thăm
ông khi có thể. Mathas cho ông De Blaire đọc Émile trước khi sách
được công bố. Khi trả lại sách, ông De Blaire nói đúng những lời này,
được thuật lại cho tôi ngay hôm ấy: “Ông Mathas ạ, đây là một cuốn
sách rất hay, nhưng ít lâu nữa sẽ được nói đến nhiều hơn là điều đáng
mong muốn đối với tác giả.” Khi Mathas kể lại cho tôi lời nói ấy, tôi
chỉ cười, và chỉ nhìn thấy ở đó sự quan trọng của một pháp quan, điều
gì cũng đưa bí mật vào. Mọi lời lẽ đáng lo ngại đến tai tôi đều chẳng
tác động đến tôi nhiều hơn, và, chẳng hề dự liệu gì thảm họa đang cận
kề, tin chắc ở tính hữu ích, ở cái hay cái đẹp của công trình, tin chắc
mình hợp thể thức về mọi phương diện, tin chắc, như tôi tưởng, ở toàn
bộ uy tín của bà De Luxembourg và ở sự ưu ái của nội các, tôi tự khen
mình đã quyết định lui về ở ẩn giữa lúc đang chiến thắng, và khi vừa
đè bẹp mọi kẻ ghen ghét.
Một điều duy nhất khiến tôi lo sợ trong việc công bố cuốn sách
này, và lo sợ vì sự an toàn của mình ít hơn là vì sự yên ổn trong tâm
tưởng. Ở Ermitage, ở Montmorency, tôi đã thấy sát gần và công phẫn,
những sự phiền hà mà do chăm chắm lo toan cho thú vui của các vị
vương hầu, người ta hành các nông dân bất hạnh, họ buộc phải chịu
thiệt hại vì muông thú phá phách đồng ruộng, chỉ dám tự bảo vệ nhờ
tiếng động, và buộc phải qua đêm giữa những cây đậu tằm, cây đỗ của
mình với nào chảo, nào chuông, nào trống, để xua những con lợn