rừng. Chứng kiến sự tàn nhẫn man rợ mà bá tước De Charolais cho
đối xử với những con người tội nghiệp này, ở cuối cuốn Émile, tôi
công kích sự tàn ác đó. Lại một vi phạm nữa đối với các phương châm
của mình, và chẳng khỏi bị trừng phạt. Tôi được biết các sĩ quan của
hoàng thân De Conti xử sự tàn nhẫn chẳng kém trên đất đai của hoàng
thân; tôi sợ ông hoàng mà tôi bội phần kính trọng và biết ơn, lại tự quy
về mình những gì mà lòng thương người bị khích động đã khiến tôi
nói về bác của ông, và ông tự thấy bị xúc phạm. Tuy nhiên, vì lương
tâm tôi khiến tôi hoàn toàn vững dạ về điều này, nên tôi an lòng trước
sự làm chứng của lương tâm, và tôi làm đúng. Ít ra, tôi không bao giờ
nghe nói là vị vương công quyền quý ấy có chú ý gì đến đoạn văn
trên, viết ra rất lâu trước khi tôi có vinh dự được ông biết tới.
Ít ngày trước hoặc sau khi sách xuất bản, vì tôi không nhớ thật
chính xác thời gian, xuất hiện một tác phẩm khác về cùng vấn đề, lấy
từng chữ một từ tập đầu của tôi, ngoại trừ vài điều tầm thường vô vị
xen lẫn vào phần trích này. Cuốn sách ấy mang tên một người Genève
là Balexert, và nhan đề có ghi đã được giải của Viện Hàn lâm Harlem.
Tôi dễ dàng hiểu rằng viện hàn lâm này và giải này vừa mới được bày
đặt ra, để ngụy trang việc đạo văn trước mắt công chúng; nhưng tôi
cũng thấy là ở đây có âm mưu nào đó từ trước, mà tôi không hiểu gì
hết; hoặc truyền đi bản thảo của tôi, không thế thì việc ăn cắp không
thể thực hiện được; hoặc dựng chuyện về cái gọi là giải thưởng,
chuyện này cần có một cơ sở nào đấy. Chỉ rất nhiều năm sau, từ một
lời do D’Ivernois
buột miệng, tôi mới thấu suốt được bí mật và
thoáng thấy những kẻ đã sử dụng tay Balexert này.
Bắt đầu nghe thấy những tiếng ầm ào đi trước cơn bão, và tất cả
những người sắc sảo đôi chút đều thấy rõ một âm mưu nào đó đang
ngấm ngầm xung quanh cuốn sách của tôi và tôi, và sẽ sớm bùng nổ.
Còn tôi, an tâm, ngu ngốc, đến mức không hề dự liệu tai họa của
mình, mà còn không ngờ cả nguyên nhân của tai họa, sau khi đã chịu