nó thấm vào tôi. Nhiều lần nhớ lại, sau này tôi ngờ rằng, do biết vận
mệnh mà tôi sẽ phải chịu, bà không ngăn nổi một giây lát mủi lòng
cho số phận của tôi.
Ông Thống chế không hé răng; ông nhợt nhạt như người đã chết,
ông nhất định muốn tiễn tôi đến tận cỗ xe đang chờ tôi ở nơi ngựa
uống nước. Chúng tôi đi qua cả khu vườn không nói một lời. Tôi có
một chìa khóa của khuôn viên, tôi dùng nó để mở cổng; sau đó, thay vì
bỏ lại vào túi, tôi đưa cho ông chẳng nói năng gì. Ông cầm lấy với thái
độ nóng nảy đáng kinh ngạc, mà từ thời gian ấy tôi không ngăn nổi
mình hay nghĩ đến. Trong đời mình tôi chưa từng có khoảnh khắc nào
cay đắng như khoảnh khắc chia ly này. Sự ôm hôn kéo dài và câm
lặng: cả hai chúng tôi đều cảm nhận cái ôm hôn ấy là một sự vĩnh biệt.
Giữa La Barre và Montmorency, tôi gặp bốn người đàn ông mặc
đồ đen trong một cỗ xe ngựa thuê, họ mỉm cười chào tôi. Sau này
nghe Thérèse thuật lại, về diện mạo các môn lại, về giờ giấc họ đến,
và về cung cách họ xử sự, tôi chắc chắn đó chính là họ; nhất là sau này
được biết rằng thay vì có lệnh tạm giữ lúc bảy giờ như mọi người đã
báo với tôi, thì tôi chỉ bị tạm giữ vào mười hai giờ trưa. Phải đi qua cả
thành phố Paris. Người ta chẳng được che kín lắm trong một xe ngựa
hai bánh rất trống trải. Tôi gặp trên các đường phố rất nhiều người
chào tôi với một vẻ quen biết, nhưng tôi chẳng nhận ra một người nào
hết. Ngay tối hôm ấy tôi chuyển hướng để qua Villeroy. Ở Lyon, các
xe trạm phải được đưa tới vị chỉ huy. Điều này có thể rầy rà cho một
người không muốn nói dối cũng không muốn thay tên đổi họ. Tôi đem
một bức thư của bà De Luxembourg đến nhờ ông De Villeroy
làm thế
nào để tôi được miễn cái việc khó chịu vô bổ này. Ông De Villeroy
giao cho tôi một bức thư mà tôi không sử dụng, vì không đi qua Lyon.
Thư này, vẫn còn niêm phong, ở trong số giấy tờ của tôi. Công tước
khuyên tôi ngủ lại ở Villeroy; nhưng tôi thích tiếp tục lên đường hơn,
và cùng ngày hôm ấy tôi đi thêm được hai trạm nữa.