lại tôi; cách kia là dùng quyền lực công khai đuổi tôi, chẳng nói một lý
do gì. Vậy tôi không thể trông cậy vào một nơi ẩn náu an toàn nào hết,
trừ phi đi tìm xa hơn mức mà sức lực tôi và thời tiết dường như cho
phép, vì tất cả những điều đó dẫn tôi quay trở lại những ý tưởng vừa
được nghĩ đến, nên tôi dám mong muốn và đề nghị người ta giam cầm
mình vĩnh viễn còn hơn là bắt mình lang thang trên thế gian, bằng
cách liên tiếp trục xuất mình khỏi những chốn nương náu có lẽ mình
sẽ chọn. Hai ngày sau bức thư thứ nhất, tôi viết một thư thứ hai cho
ông De Graffenried, xin ông đề nghị với các vị Đại nhân như vậy. Thư
trả lời của Berne cho cả hai bức là một lệnh với từ ngữ rõ ràng nhất và
khắc nghiệt nhất buộc phải ra khỏi hòn đảo cùng toàn lãnh thổ gián
tiếp và trực tiếp của nước Cộng hòa, trong vòng hai mươi bốn giờ và
không bao giờ quay lại đó, nếu không sẽ bị những hình phạt nặng
nhất.
Khoảnh khắc ấy thật gớm ghê. Từ bấy tôi đã lâm vào những lo âu
tệ hại hơn, nhưng chưa bao giờ lâm vào nỗi lúng túng lớn hơn thế.
Nhưng điều khiến tôi buồn khổ hơn cả là buộc phải từ bỏ dự kiến đã
khiến tôi ao ước sống qua mùa đông trên đảo. Đã đến lúc thuật lại câu
chuyện bất hạnh nó đưa tai họa của tôi đến cực điểm và kéo theo sự
suy vong của tôi một dân tộc bạc phận, mà những đức tính mới phát
sinh đã hứa hẹn một ngày kia sánh ngang những đức tính của Sparte
và La Mã.
Tôi đã nói đến người Corse trong Khế ước xã hội, như một dân
tộc mới mẻ, dân tộc duy nhất của châu Âu không suy nhược đối với
việc lập pháp, và tôi đã bày tỏ niềm hy vọng lớn mà ta phải đặt ở một
dân tộc như thế, nếu như dân tộc ấy có may mắn tìm được một nhà
sáng lập hiền minh. Tác phẩm của tôi được vài người Corse đọc, họ
cảm kích vì tôi nói về họ một cách trân trọng, và trường hợp họ đang
hoạt động để lập nước Cộng hòa khiến những người chỉ huy nghĩ đến
chuyện hỏi ý kiến tôi về công trình quan trọng đó. Buttafaco, thuộc
một trong những dòng họ hàng đầu của xứ sở, và là đại úy tại Pháp