Những buổi đi câu ngoài mé đầm đã làm tình cảm giữa hai chị em gắn bó
với nhau hơn. Nhưng không ngờ …
Buổi sáng. Máy bay L.19 từ hướng thành phố bay về làng tôi quần trên bầu
trời. Nhìn xa, nó giống như con chuồn chuồn voi, đảo tới đảo lui. Cha tôi lo
lắng chạy ra phía sau nhà, che tay dòm. Một lát, ông bước vội vã vào nhà,
nói với mẹ tôi: “Mấy bữa nay nó cứ đảo tới đảo lui làng này, chắc sắp có
chuyện. Nghe nói tối hôm trước, mấy ông từ trên núi xuống giết thêm một
tay trưởng thôn quăng xác xuống đầm. Bà coi gom góp tư trang, tiền bạc để
sẵn, có gì mình chạy cho lẹ!”. Mẹ tôi lại thản nhiên nói: “Ông cứ lo xa! Cái
làng này nẳm giờ đang sống bình yên, có sao đâu! Còn nếu có bom đạn, nó
tránh mình chớ mình biết đâu mà tránh!”. Nói xong, mẹ tôi sai tôi lấy nồi đi
vo gạo, nhóm bếp bắt cơm. Mẹ tôi là người sống quen với đồng ruộng, làng
quê, bà không nghĩ là cuộc sống sẽ thay đổi, nếu bỏ đi đâu đó, nhà cửa,
ruộng vườn ai chăm sóc. Còn về thành phố, mẹ tôi thấy chướng tai gai mắt
khi gặp cái cảnh những cô gái trẻ, nhỏ nhắn, đi bên những ông khách ngoại
quốc mập thù lù hoặc cao ngất ngưỡng. Bà sợ tôi bị sa chân vào những
vũng bùn ở thành phố.
Quần quần trên bầu trời u ám mấy chập, chiếc L.19 lại bay về hướng thành
phố. Không khí yên lặng đến nỗi tôi nghe tiếng sóng vỗ từ mé đầm vọng
về, tiếng hát eo éo trong chiếc radio vang ra từ ngôi nhà xóm trên: “ Anh là
lính chung tình …”, tiếng gõ lạc lõng của chiếc sõng còn đang thả lưới.. Mẹ
tôi nói dọn cơm ra ăn, còn đi nhổ cỏ ngoài ruộng, nhớ bới vào lon guigoz
mang theo để mẹ tôi ăn xế.
Cha, mẹ, tôi và đứa em trai đang ngồi ăn cơm trên chiếc giường tre thay
bàn ghế, bỗng nghe những tiếng nổ chát chúa chung quanh. Tiếng nổ lớn
đến nỗi làm đổ chén nước mắm, tô canh chua trên vạt giường. Phản ứng
đầu tiên của cha tôi là bỏ cả đôi đũa và chén cơm, la lên: