mọi ngày, anh Ba đi lên đi xuống từ bếp đến hầm. Không thể vác những rổ
rau lên vai vì tàu tròng trành, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi,
chuyến thứ hai một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống
biển mọi vật trên sàn tàu. Cả những rổ rau và anh Ba nữa. Anh bị đẩy vào
giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết.
Cái gì đối với anh Ba cũng mới, anh phải học tất cả. Ví dụ mới đầu anh
không ăn được bánh mì và bơ. Ăn xúp thì anh dùng nĩa.
Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách – hai người lính trẻ tuổi giải
ngũ về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của
anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển
sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết. Và anh Ba lại dạy họ quốc ngữ và thỉnh
thoảng dấm dúi cho họ cốc cà phê. Anh nói với tôi với một vẻ ngạc nhiên:
"Anh Mai, cũng có những người Pháp tốt, anh ạ".
Hồi ấy, Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông vào làng Tây, đi tầu hạng
nhất cùng gia đình. Ông ta đưa con sang Pháp học. Trông thấy Ba, ông ta
gọi anh lại và thân mật bảo:
"Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề đi. Con nên chọn
một nghề khác, danh giá hơn…" Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng
không nói đồng ý hay không.
Đến Mác–xây, chúng tôi lĩnh lương mỗi nhân viên Việt Nam được từ
một trăm đến hai trăm quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách.
Anh Ba là phụ bếp, chỉ được mười quan.
Anh ta được ít lương, nhưng anh học được nhiều chuyện mới lạ. Coi tôi
là bạn thân thiết nhất, anh ta nói với tôi tất cả những điều anh trông thấy và
suy nghĩ.
"Ơ! Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!".
Trông thấy những gái điếm đến làm tiền trên tàu, Ba nói với tôi:
"Tại sao người Pháp không "khai hoá" đồng bào của họ trước khi đi
"Khai hoá" chúng ta, sao thế anh Mai?"
Tàu điện đối với anh Ba là một chuyện kỳ lạ.