Đời sống đắt đỏ hơn ở Pháp. Ăn một bát mì cũng phải nộp thuế.
Phụ nữ Ý hát rất hay. Tiếng hát trong như tiếng chuông. Theo ông
Nguyễn thì nước Thuỵ Sĩ xinh hơn hết. Thành phố sạch sẽ. Phong cảnh rất
nên thơ. Mọi người đều nhã nhặn và người nào cũng biết nói hai thứ tiếng
(trong ba thứ tiếng Đức, Ý, Pháp). Đi thăm Thuỵ Sĩ không bao giờ chán.
Núi non, thung lũng, hồ ao…, phong cảnh nào cũng nên thơ.
Béclin so với Pa–ri và La–mã giống như một miếng bánh mì so với bánh
Ga–tô. So sánh như vậy cũng không đúng lắm, vì Béclin cũng như tất cả
nước Đức đang khốn khổ vì nạn đói. Nạn lạm phát ghê gớm. Một chút gì
cũng trả mấy ngàn mác (đồng tiền Đức).
Thành phố lớn và sạch sẽ. Nhưng kiểu kiến trúc nặng nề và tầm thường.
Cái vườn Rếch–tát (Reichstag) tinh những tượng là tượng, giống như một
cửa hàng bán tượng.
Nhân dân Đức siêng năng, thân mật, quả cảm, làm việc có kế hoạch.
Ngoài những cuộc đi xem để học, ông không thích chơi bời gì khác.
Không phải chỉ vì thích đi du lịch mà ông nhịn ăn nhịn tiêu. Điều đó
cũng có, nhưng nhất là ông muốn biết những nước ấy tổ chức và cai trị như
thế nào.
Ông Nguyễn bắt đầu tổ chức, hoặc đúng hơn là bắt đầu học tổ chức.
Trong những buổi mít tinh, trong những buổi đi thăm hoặc du lịch, ông
đã gặp những người cách mạng An–giê–ri, Tuy–ni–di, Ma-rốc, Man–gát,
v.v. Cùng với họ, ông tổ chức: "Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pa–ri". Mục đích
của Hội này là giải phóng những dân tộc thuộc địa. Hoạt động của Hội là
tuyên truyền. Họ tổ chức những buổi nói chuyện, những người dân các
thuộc địa và những người Pháp có cảm tình đông hơn người thuộc địa.
Những người này phần lớn là công chức hoặc công nhân. Họ bị cảnh sát
Pháp doạ đuổi ra khỏi nước Pháp nếu họ tiếp tục tham gia các cuộc hội
họp.
Nhiều người Pháp hết sức căm phẫn khi biết được những chuyện xảy ra
ở các thuộc địa: rượu, thuốc phiện, hối lộ, khủng bố v.v. Thường thường họ