kêu lên: "Ô! Nhục nhã biết bao! Ô! Thật không tưởng tượng được! Tội ác
thực dân tầy trời!"
Để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa, ông Nguyễn và những đồng
chí của ông ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) do ông là chủ bút, kiêm
chủ nhiệm.
Những người yêu nước Man–gát, An–giê–ri, Mác–ti–ních là những luật
sư, thầy thuốc, nhà buôn hoặc sinh viên. Họ có công việc và gia đình của
họ. Họ không thể để nhiều thì giờ cho tờ báo. Mỗi người chỉ có thể góp một
số tiền nhỏ và một tờ bài báo mỗi tuần. Ông Nguyễn được mọi người cử ra
để làm cho tờ báo chạy. Vì vậy, ông Nguyễn kiêm cả viết, chủ nhiệm, chủ
bút, chữa bài, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc.
Lúc đầu ông Nguyễn gửi bán tại những cửa hàng nhỏ. Nhưng bán không
chạy lắm, vì ở Pa-ri có vô số báo, người ta không thể đọc tất cả và mua tất
cả. Vì vậy ông Nguyễn tìm ra một cách mà người Pa–ri gọi là "lối D". Ông
đến trong những cuộc mít tinh dân chúng. Ông phát báo, leo lên diễn đàn
và nói:
"Các bạn thân mến! Báo Người cùng khổ phát không, nhưng tôi hết sức
cảm ơn nếu các bạn vui lòng quyên giúp ít nhiều để giúp chúng tôi trả tiền
in. Một xu, một quan, nhiều ít cũng tốt".
Những người Pháp, nhất là hạng nghèo và hạng trung thường có lòng
rộng rãi. Và luôn luôn ông Nguyễn có thể thu tiền để trả những khoản phí
tổn về báo và một đôi khi còn dư nữa. Việc xuất bản tờ Người cùng khổ là
một vố đánh vào bọn thực dân. Lập tức có lệnh cấm không cho tờ báo đó
vào các thuộc địa. Nhưng ông Nguyễn không chịu thua. Ông nhờ những
thuỷ thủ có cảm tình chuyển báo đi các thuộc địa. Và dùng nhiều cách bí
mật khác.
Những người lao động Việt Nam ở Pa–ri và các tỉnh mặc dầu số lớn
không biết đọc, cũng bí mật gửi tiền quyên cho báo.
Phần lớn những sinh viên Việt Nam ở Pa–ri sợ tờ Người cùng khổ và ông
Nguyễn, như người ta sợ thú rừng. Không phải vì họ ghét - nhiều người