Blum), Phô (Paul Faure), Phơ-rốt–xa (Frossard), Ca–sanh (Cachin), Pi–ve
(Marceau Pivert), Di–rôm–ki (Zyrom–sky), Cu–tuya–ri–ê (Vaillant
Couturier), Bơ–rác (Bracke), Béc–tông (Andres Berton), Luy–xi (Charls
Lussy) v.v. Tất nhiên ông Nguyễn không bỏ lỡ cơ hội như thế để nói về các
thuộc địa, đặc biệt là về Việt Nam.
Cuối cùng đến lúc biểu quyết. Gia nhập Quốc tế thứ 3 hoặc ở lại Quốc tế
thứ 2 (Quốc tế thứ 2 rưỡi bị bác bỏ).
Thiểu số do Bơ–lom cầm đầu, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 2.
Đa số do Ca–sanh (Cachin) lãnh đạo bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ 3.
Ông Nguyễn cũng bỏ phiếu cho Quốc tế thứ 3. Rất ngạc nhiên, Rô–sơ,
làm tốc ký của Đại hội hỏi ông Nguyễn:
"Đồng chí! Bây giờ đồng chí hiểu tại sao ở Pa–ri, chúng tôi đã bàn cãi
nhiều như thế rồi chứ?"
"Không, chưa thật hiểu đâu."
"Thế thì tại sao đồng chí lại bỏ phiếu cho Quốc tế thứ 3?"
"Rất giản đơn. Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật
vô sản và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Quốc tế thứ 3 rất
chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Quốc tế thứ 3 nói sẽ giúp đỡ các dân
tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Quốc tế thứ 2 không hề
nhắc đến vận mệnh các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế
thứ 3. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những
điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu. Đồng chí đồng ý với tôi
chứ!"
Rô–dơ đồng ý, chị cười và nói: "Đồng chí đã tiến bộ."
Từ ngày lịch sử ấy, đảng Xã hội chia làm hai. Phần lớn trở thành đảng
Cộng sản Pháp, thuộc Quốc tế thứ 3. Phần nhỏ là đảng Xã hội thuộc Quốc
tế thứ 2.
Cũng từ đó, thực dân Pháp ở Đông Dương thêm một chữ mới. Chúng gọi
những người Việt Nam yêu nước là: "Nguyễn Ái Quốc bản xứ"