* * *
Đại hội Tua (Tours) kết thúc. Ông Nguyễn trở về với nghề rửa ảnh, với
thư viện, với những buổi mít tinh…
Bọn thực dân rất muốn đuổi hoặc bỏ tù ông, vì sự hoạt động của ông làm
chúng khó chịu. Nhưng chúng sợ xảy ra dư luận không tốt. Ông Nguyễn
quen biết hầu hết các nghị viên và luật sư đảng Xã hội, họ sẵn sàng bênh
vực ông Nguyễn. Vả lại ông Nguyễn không làm điều gì phạm pháp. Bảo vệ
Tổ quốc, tố cáo tội ác của thực dân, ở Pháp điều đó không phải là phạm tội,
dù ở Đông Dương đó là một tội đáng tử hình.
Nhiều người Việt Nam yêu nước đã bị chém đầu vì những nguyên cớ nhẹ
hơn những việc ông Nguyễn đã làm.
Mặc dầu nguy hiểm, ông Nguyễn vẫn muốn trở về Việt Nam. Bây giờ
ông Nguyễn tạm hiểu cách tổ chức và tuyên truyền. Có thể nói là ông
Nguyễn suốt ngày nghĩ tới tổ quốc, và suốt đêm mơ đến tổ quốc mình.
Theo lệ thường, chiều thứ bảy, những đồng chí Sê–nê–ga–le, Ma-rốc,
An–giê–ri, Man–gát v.v. đến toà báo Người cùng khổ để thảo luận về những
bài viết cho số báo sau. Ngày hôm ấy, họ thấy toà báo đóng cửa. Họ gõ cửa.
Không thấy trả lời. Người ta bắt đầu ngạc nhiên và bàn bạc.
"Có lẽ ông Nguyễn ốm chăng?"
"Không, nếu ông ốm thì ông đã báo cho chúng ta biết."
"Hoặc bị bắt chăng?"
"Không thể. Chúng nó không dám làm như thể ở Pa–ri."
"Có lẽ ông bận đi việc gì!"
"Ông Nguyễn sẽ để lại cho chúng ta một chữ."
"Ông Nguyễn thường làm như thế."
"Như vậy chúng ta đợi một lát."
"Không cần. Chúng ta đến nhà ông B. Chúng ta sẽ trở lại sau."
Ông B là một luật sư người Ăng–ti. Ông Nguyễn thường đến nhà ông.
Bà vợ ông coi ông Nguyễn như anh em. Ông Nguyễn rất yêu hai đứa con