lại 36 món chết người, mà ông Trung trố dạy tôi, từ một năm nay, nhưng bài
học chỉ được hoàn thiện tối thứ ba vào lúc 9 giờ 30. Miệng tôi đếm được
một món, chân tôi đạp được một vòng, đều đặn.
9 giờ 30, tôi đếm. Tôi đến đầu phố M. Tôi đến giữa phố M. Tôi đến cuối
phố M. Tôi đến dưới một cột đèn. Tôi đến một ngã tư, láo nháo khói, láo
nháo cột đèn và lá mùa đông. Ngã tư có bốn ngả: một ngả rẽ về nhà tôi, một
ngả về nhà Tình Bốp, một về nhà Chắt, một về nhà Đoành. Tất cả chìm
trong khói trắng.
9 giờ 35 ở ngã tư khói, tôi thấy người láo nháo trong khói, đầy lối vào ngõ
nhà tôi. Cảm giác có chuyện bất thường, tôi bèn rẽ vào ngõ. Bác Mẫn vừa
thấy tôi, vội nói: “Anh đạp xe ngay, xuống bệnh viện Bạch Mai”. Tôi đứng
chết lặng. Bác Mẫn kể nhanh, chuyện gì đã xảy ra, tôi nay. Bác giục: “Sao
còn đứng đấy. Anh xuống ngay, xem chị thế nào. Nhà cửa có chúng tôi
trông. Tôi cũng đã cử người lên báo tin cho mẹ anh rồi”.
Lúc tôi kí tên, có lẽ 10 giờ tối, tôi không xem đồng hồ nữa. Ông bác sĩ,
trong bộ blu trắng, khẩu trang trắng, mũ trắng, chỉ hở mỗi hai con mắt, giải
thích cho tôi: “Tình trạng nguy kịch. Chúng tôi chỉ có thể cứu được một
người thôi, hoặc mẹ, hoặc con. Anh quyết định ngay đi. Phải có chữ kí của
anh, là người chồng”. Tôi đáp ngay: “Xin ông cứu cho người mẹ”. Và kí
giấy, có lẽ vào 10 giờ tối. Tôi vào buồng mổ. Cốm nằm trên bàn mổ, trắng
nhợt. Cốm vẫn mê man. Từ lúc vào đây, Cốm ngất đi ngất lại, mấy lần. Tôi
đứng bên bàn mổ, trống rỗng trong lòng. Bác sĩ mời tôi ra ngoài. Tôi ra
ngoài. Chị Hòa cũng phải ra ngoài. Rồi chị Hòa đi đâu mất. Còn lại tôi một
mình, trong hành lang trắng nhợt. Tôi ngồi. Rồi không ngồi nữa. Tôi đi lại.
Từ đầu hành lang, đến cuối hành lang. Tôi đi, từ cuối hành lang, về cửa
phòng mổ. Dưới ánh đèn trắng nhợt. Tôi không nghĩ gì. Không muốn nghĩ