Buổi sáng. 10 giờ đêm qua, ngõ trên có đám cháy. Bà con túa cả ra ngoài.
Em Cốm cũng chạy đi chữa cháy. Tôi không đi. Lởn vởn những nơi hữu sự,
bà con lại nghi cho, thì bỏ mẹ. Giá chị Hòa qua đây gọi, tôi sẽ đi ngay. Đám
cháy được dập tắt, nhanh chóng, nhưng Cốm lâu lắm mới về. Cốm nói: “Bà
con nghi có địch”. Tôi không nói gì. Có lẽ tôi bắt đầu có vấn đề với chữ
địch. Đêm ấy thật lạ. Đất đá ném lộp bộp, suốt đêm, trong ngõ, và ngoài
phố. Tôi đoán là tụi biệt kích cài lại phá rối. Buổi sáng gạch đá còn lại hàng
rổ, trong xóm. Lúc 8 giờ Cốm đi chợ về, mặt như bông hoa héo. Tôi cũng
đoán được là chuyện gì. Nhưng không hỏi. Tôi ra ngã tư tìm mua một bao
Côtab, thấy phô vẫn đỏ màu cờ, vẫn thơm mùi vị Tết. Cứ như thể hôm qua
mồng một. Hôm nay là mồng hai. Tôi vừa mua thuốc lá xong, bị một bãi
nước bọt tòe toẹt rơi ngay sát mũi giày. Một ông thợ đồng hồ, đứng trong
hiệu nhổ nước bọt ra. Ông này tôi biết, tên là Trung trố. Ông này hỏi xỏ:
“Anh mà cũng ở lại à?” Tôi định độp lại, cũng bằng câu hỏi ấy. Nhưng tôi
không nói gì, chỉ nhún vai, quay đi. Ông này còn tiếp tục làu bàu những cái
gì, sau lưng tôi một lúc lâu. Chắc chắn không hề ngọt ngào. Mấy bà đầu
ngõ cũng chửi đổng. Mấy bà nói rất to: “Quân hại nước hại nòi. Cứ đem tất
ra mà đấu”. Không biết mấy bà chửi ai. Tôi đi qua mấy bà, không nhìn bà
nào. Nhưng tôi biết, mấy bà đang nhìn tôi. Về đến nhà, tôi ngồi, tôi đốt
thuốc liên tục. Thuốc làm ngột ngạt, có lẽ vậy. Rồi tôi lại thấy, hết ngột
ngạt, có lẽ tại thuốc. Tôi đến cạnh Cốm. Cốm nói: “Em mua con cá, định về
đánh giấm. Bà ta mua, em cũng mua. Em đợi bà ta mua xong, mới chọn.
Em mua xong xuôi, bỏ vào rổ, bà ta lại đòi mua con cá của em, lại còn chửi
đồ mua tranh bán cướp, bỏ cái thói vợ ngụy ỉ thế chồng. May mà có người
can, không thì bà ấy đánh xé em giữa chợ. Em nhục quá”. Tôi nói: “Thế
mới gọi là khoan hồng. Chính Cốm khuyên anh ở lại. Còn muốn gì hơn?
Anh đã biết trước”. Cốm nói: “Rồi về sau khác đi chứ. Mình làm ăn tử tế,
đối xử nhũn nhặn. Chẳng nhẽ bà con xử tệ với mình mãi à? Biết thế này,
chẳng kể với anh nữa”. Tôi gắt: “Thôi cô đi làm cơm. Còn 300 ngày tênh
tênh. Tôi mà ức lên, tôi tếch thẳng. Cô không đi theo, tôi tếch một mình”.
Nói rồi, tôi chớp mắt, rồi lại chớp mắt, rồi lại chớp mắt nữa, để mỗi lần, cái
hiện tại hủi này lùi ra xa. Tôi chớp mắt mãi, mà không xong.