“Rồi thì họ sẽ gọi lại. ”
Tôi không hiểu sao ông lại tiếp đón tôi niềm nở như thế. Tôi chẳng
phải là người sinh viên đầy triển vọng của ông mười sáu năm về trước. Nếu
không có chương trình “Nightline”, chắc thầy Morrie sẽ qua đời, mà chẳng
có dịp gặp mặt tôi. Tôi không có lý do bào chữa nào thích đáng cho việc đó
cả, ngoại trừ lý do mà hầu như ngày nay ai cũng có. Đó là tôi bị lôi cuốn
theo điệu nhạc quyến rũ của cuộc đời tôi. Tôi quá bận bịu.
Chuyện gì đã xảy ra cho tôi? Tôi tự hỏi. Giọng cao, lãng đãng khói
sương của thầy Morrie, đã đem tôi trở về với những tháng năm đại học, thời
mà tôi có ý tưởng rằng những người giàu thì xấu xa, chiếc áo sơ mi và cái
cà vạt là quần áo tù đầy, một lối sống không đáng sống, lối sống không có
sự tự do của bỗng dưng bỏ hết để ra đi – cưỡi xe mô tô, gió bạt vào mặt,
trên đường phố Ba Lê, trên những ngọn núi Tây Tạng. Chuyện gì đã xảy ra
cho tôi?
Thập niên tám mươi đã đến. Thập niên chín mươi đã đến. Chết chóc,
bệnh tật, mập phì, đầu sói, tóc thưa cũng qua. Tôi đã đánh đỗi vô số ước mơ
cho một ngân phiếu lương tháng cao hơn, mà không hề nhận thức là mình
đang làm điều đó.
Thế mà thầy Morrie đây đang nói về những năm tháng kỳ diệu của đại
học, như thể là tôi chỉ mới vắng mặt sau một chuyến nghỉ hè dài.
- “Anh có tìm được người san sẻ tâm tình với anh chưa?” Ông hỏi tôi.
- “Anh có phục vụ cho cộng đồng của anh không?”
- “Anh có cảm thấy bình an với bản thân mình không?”
- “Anh có cố gắng cư xử cho ra một con người không?”
Tôi lúng túng, muốn tỏ cho thầy biết tôi để tâm suy ngh ĩ rất sâu xa về
những câu hỏi như vậy. Chuyện gì đã xảy ra cho tôi? Ngày xưa, tôi đã từng
hứa với chính mình tôi sẽ không bao giờ làm việc vì tiền, rằng tôi sẽ gia
nhập Nhóm Thanh Niên Thiện Nguyện (Peace Corps), rằng tôi sẽ sống ở
những chốn đẹp đẽ, thanh cao gần với thiên nhiên.