Ông nhắm mắt lại, lắc đầu. “Bình hơi của tôi gần cạn rồi. ” Tôi vỗ đùi,
tâm trạng căng thẳng. Một buổi trưa như vậy là quá đủ rồi.
“Hãy trở lại và viếng ông thầy già của anh”. Thầy Morrie dặn dò khi
tôi ôm hôn, từ giã ông.
Tôi hứa sẽ trở lại, cố gắng không nghĩ đến lần cuối tôi đã hứa như vậy.
Tôi đến tiệm sách trong khuôn viên trường, tìm mua những quyển sách
thầy Morrie liệt kê cần phải đọc. Tôi mua những quyển sách mà trước đây
tôi không hề biết chúng có trên đời này, những quyển với tựa sách như:
“Tuổi trẻ: Cá Tính và Khủng Khoảng, Tôi và Anh, Cái Tôi Chia Hai”.
Trước khi vào đại học, tôi không biết là sự nghiên cứu về các mối quan
hệ giữa con người với nhau, có thể được xem như là một môn học. Trước
khi gặp thầy Morrie, tôi không ngờ được điều này. Tính đam mê sách vở
của thầy rất thực và lây lan. Không biết từ lúc nào, sau giờ học khi phòng
học trống không, chúng tôi bắt đầu có với nhau những luận bàn nghiêm
chỉnh. Thầy hỏi về cuộc sống của tôi, rồi trích dẫn những lời nói của Erich
Fromm, Martin Buber, Erick Erikson. Thường khi thầy đồng ý với những
câu nói của họ, chú thích thêm những lới khuyên của chính ông, dù rõ ràng
ông cũng cùng ý nghĩ như họ. Những lúc như thế, tôi nhận ra ông đúng thực
là một vị giáo sư, chứ không phải là một ông chú. Một bữa trưa nọ, tôi than
phiền về sự rối rắm của tuổi trẻ chúng tôi, về điều mà mọi người mong chờ
ở tôi so với điều tôi mong muốn cho chính bản thân mình.
“Tôi có nói cho anh nghe về tình trạng căng thẳng của hai đối lực
chưa?” Thầy hỏi tôi.
- Tình trạng căng thẳng của đối lực?
- “Đời sống là một chuỗi của sức đẩy lui, đẩy tới. Anh muốn làm một
việc, nhưng lại bị ràng buộc phải làm một việc khác. Có việc làm đau lòng
anh, dù anh biết là anh không nên có cảm giác đó. Có những điều anh nhận
với thái độ vô ơn, dù rằng anh biết rằng anh không bao giờ nên có thái độ
đó.