“Thứ ba đi nhé!'”
- Thứ ba được đấy, thầy. - Tôi nói. - Thứ ba được lắm đó, thầy.
Vào năm thứ hai đại học, tôi kết thúc thêm hai lớp của Thầy. Ngoài giờ
giảng dạy, đôi lúc chúng tôi gặp nhau chỉ để nói chuyện. Tôi chưa từng làm
điều này với một người lớn nào mà không phải là bà con thân thích, không
hiểu sao với thầy Morrie tôi cảm thấy thoải mái, còn ông thì lại có thì giờ
cho tôi.
“Hôm nay chúng ta sẽ viếng chốn nào đây”! Ông vui vẻ hỏi, khi tôi đặt
chân vào văn phòng làm việc của ông.
Vào mùa Xuân, chúng tôi ngồi dưới bóng cây của khu phân khoa Xã
Hội Học, còn mùa đông, chúng tôi ngồi tại bàn làm việc của ông, tôi thì
mặc áo thun dày thụng xám, chân mang giày thể thao Adidas, còn thầy
Morrie mang giày Rockport và quần corduroy. Trong cuộc chuyện trò
của chúng tôi, thầy lắng tai nghe tôi nói huyên thuyên, rồi ông tìm cách
chen vào các bài học đời của ông. Ông cảnh cáo là tiền bạc không phải là
một việc quan trọng nhất trong đời sống, khác hẳn với quan điểm của phần
đông số người trong trường. Ông bảo tôi cần phải : “Thành một người hoàn
toàn”. Ông nói đến thái độ xa lánh xã hội của giới trẻ và sự cần thiết phải có
mối tương giao với xã hội mình đang sống. Những chuyện này có điều tôi
hiểu, có điều tôi không hiểu. Nhưng việc đó không mấy quan trọng. Những
buổi thảo luận là cái cớ tôi được chuyện trò cùng với thầy, có tính cách “cha
con”, mà tôi không thể có được với chính cha ruột mình vì cha tôi lại muốn
tôi thành luật sư.
Thầy Morrie ghét luật sư.
“Anh muốn làm nghề gì khi xong đại học?”
- Dạ em muốn làm nhạc sĩ. Nhạc sĩ chơi dương cầm.
“Tuyệt vời,” ông nói. “Nhưng cuộc sống gay go đấy. ”
- Vâng.
“Nhiều nanh vuốt lắm”.