Mắt ông ướt đẫm. Tôi cố xoay qua chuyện khác, nhưng ông lau mặt,
giơ tay khoác về phía tôi và nói:
- Giờ tôi hay khóc lắm. Đừng bận tâm đến.
Thật là kỳ lạ! Tôi làm việc trong ngành báo chí. Tôi phải viết những
tin có liên quan tới người chết. Tôi phỏng vấn gia đình đau khổ có thân
nhân qua đời. Có khi tôi còn phải dự đám táng nữa. Tôi chẳng bao giờ
khóc. Còn ông Morrie thì khóc về những người từ bên kia nửa bán cầu. Tôi
đâm thắc mắc. Phải chăng đấy là điều cuối cùng sẽ xảy ra? Có lẽ chết chóc
sẽ đem đến sự bình đẳng cho nhân loại. Để cho nh?ng người lạ nhỏ nước
mắt khóc cho nhau?
Thầy Morrie xịt mũi lớn tiếng qua giấy chùi miệng. "Anh đồng ý với
chuyện này chứ. Sự việc đàn ông khóc?"
- Chắc rồi, tôi nhanh nhẩu trả lời.
Ông cười nhẹ: "À, Mitch, rồi tôi sẽ làm cho anh mềm mỏng hơn. Một
ngày nào đó, tôi sẽ cho anh biết rằng, khóc là chuyện tự nhiên. "
- Vâng, vâng, tôi nói.
- "Vâng, vâng" ông lặp lại.
Chúng tôi cùng cười, vì ông đã nói điều như thế, hai mươi năm về
trước. Thường là vào ngày thứ ba. Nói cho ngay, thứ ba là ngày của chúng
tôi. Những lớp tôi học của thày nhằm ngày thứ ba. Ông có giờ cho sinh viên
vào ngày thứ ba, và khi tôi viết luận án cho năm thứ tư - cũng là do ông đề
nghị từ lúc đầu - cũng lại những ngày thứ ba chúng tôi gặp nhau tại bàn
làm việc của ông, hay tại câu lạc bộ sinh viên, hay trên những bậc tam cấp
của hàng lang Pearlman để cùng duyệt qua luận án.
Thành ra cũng đúng thôi khi chúng tôi trở lại với nhau vào ngày thứ
ba, tại căn nhà này với cây thông Nhật Bản trước mặt nhà. Khi sắp ra về, tôi
nói cho ông nhận xét này.
- Chúng ta là những người của ngày thứ ba.