Có một người đàn bà khác, lúc nào cũng nhổ nước miếng vào mặt mọi
người, đã coi ông là một người bạn. Hai người nói chuyện hàng ngày, và
mọi người trong bệnh viện cũng vui mừng là, ít nhất có người có thể trò
chuyện với bà ta. Nhưng một ngày nọ, bà ta bỏ trốn, và người ta nhờ Morrie
tới đem bà về. Họ đã kiếm ra được bà đang trốn đàng sau một cửa hàng gần
bệnh viện. Khi Morrie tới, bà nổi giận, nhìn ông và la lên:
"Thì ra ông cũng cùng với bọn họ thôi!"
"Bọn nào?"
"Mấy người cầm tù tôi."
Morrie nhận thức rằng, hình như các bệnh nhân, trong cả cuộc đời họ,
có cảm giác bị bỏ rơi và hắt hủi, làm cho họ mang cảm tưởng họ không còn
có mặt trên cuộc đời này nữa. Họ cũng cần tình thương, một thứ mà các
nhân viên không có đủ để ban phát. Phần đông các bệnh nhân này xuất thân
từ các gia đình khá giả, giàu có, đủ biết tiền tài không đem lại hạnh phúc và
sự mãn nguyện. Đó là một bài học mà không bao giờ ông quên được.
*
* *
Tôi thường hay đùa Morrie là ông vẫn còn sống trong thời kỳ những
năm 60. Ông trả lời là những năm 60 nào đâu có tệ, so với thời kỳ mà
chúng ta sống hiện nay.
Sau những năm tháng tại bệnh viện tâm thần, ông đến với đại học
Brandeis vào đầu năm 60. Chỉ trong vòng vài năm sau đó, khuôn viên đại
học này là nơi cách mạng văn hoá nóng bỏng: Ma Tuý, Tình Dục, Da
Màu, chống chiến tranh Việt Nam. Abbie Hoffman đã từng học đại học
Brandeis. Jerry Rubin và Angela Davis, cũng vậy. Giáo sư Morrie có rất
nhiều sinh viên "cực đoan" trong lớp ông.
Có lẽ, một phần thay vì làm công việc giáo dục mà thôi, phân khoa xã
hội học đã dính dáng vào các vấn đề. Thí dụ như, họ rất chống chiến tranh.