Khi các giáo sư được biết một khi các sinh viên không giữ một mức điểm
nào đó, thì có thể mất quyền hoãn quân dịch và bị gọi động viên, các ông
bèn từ chối cho điểm. Và khi ban quản trị ra quyết định: "Nếu các ông
không cho sinh viên điểm thì tất cả coi như hỏng lớp đó". Thế là thầy
Morrie đề nghị: "Hãy cho chúng nó con A hết". Và các giáo sư đều làm như
thế.
Những năm 60 mở rộng tầm mắt của khuôn viên đại học, và cũng nới
rộng cái nhìn của các giáo sư tại phân khoa của Thầy Morrie, từ cách ăn
bận, quần jeans, mang dép sandals cho tới ngày nay, cho đến cái nhìn về lớp
học là một nơi sống động. Họ đã thay nhiều lớp giảng dạy bằng những lớp
thảo luận, thay thế kinh nghiệm bằng lý thuyết. Họ gởi sinh viên vào vùng
cực Nam cho những dự án về nhân quyền, và gởi sinh viên tới các tỉnh lớn
để thực hành. Các giáo sư tham dự những cuộc biểu tình tại Hoa Thịnh
Đốn, và thường thầy Morrie đi cùng xe bus với các sinh viên. Trong một
chuyến nọ, ông thích thú nhìn các cô sinh viên trong những chiếc váy đầm
lả lướt, với giây chuyền tình yêu, gắn hoa trên súng của mấy người lính, rồi
ngồi trên cỏ, tay cầm tay hát hò, hầu thay đổi ý kiến của Ngũ Giác Đài.
"Họ chẳng thay đổi được người ta, nhưng ít ra họ cố gắng làm điều
đó". Thầy Morrie nói.
Một lần nọ, một nhóm sinh viên da đen chiếm đóng khu giảng đường
Ford, của trường Brandeis, quấn chung quanh bản hiệu ĐẠI HỌC
MALCOLM X. Giảng đường Ford có phòng thí nghiệm ở các tầng dưới,
nên nhiều người trong ban quản trị của trường lo ngại các sinh viên cực
đoan này sẽ chế tạo bom. Nhưng thầy Morrie nhìn thấy rõ vấn đề chính, đó
là những con người muốn người ta biết họ có tiếng nói.
Cuộc chống đối diễn ra nhiều tuần lễ. Có lẽ nó còn kéo dài lâu hơn nữa
nếu thầy Morrie không tình cờ đi qua dãy nhà, và một trong những sinh
viên chống đối, nhận ra vị thầy mà anh ta yêu thích nhất, và gọi ông vào từ
cửa sổ.