như thế nào. Điều đó nằm sâu trong tiềm thức của chúng ta. Đối với tôi, đó
chỉ là sự nhớ lại để biết cách hưởng nó.
"Sự thật là lúc được mẹ ẵm bồng, ru hời, xoa đầu - không ai trong
chúng ta thấy mình có được đầy đủ. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều ao
ước được sống trở lại cái thuở chẳng phải lo gì cả – với tình thương vô bờ
và sự chăm sóc vô điều kiện. Đa số chúng ta đều không được hưởng đủ.
“Tôi biết mình thì thiếu thốn điều đó”.
Tôi nhìn thầy Morrie và bỗng nhiên chợt hiểu tại sao ông thích những
khi tôi nghiêng người để sửa lại máy ghi âm cho ông, hay loay hoay với
mấy cái gối, hay chùi mắt cho ông. Sự va chạm thân thể con người với
nhau. Bảy mươi tám tuổi, ông là một người trưởng thành, và lại được trở về
săn sóc như một đứa trẻ.
*
* *
Cuối ngày, chúng tôi bàn về tuổi già. Hay là nỗi lo sợ tuổi già, tôi nên
nói như thế – Đây là một trong những vấn đề nằm trong danh sách những
khắc khoải của thế hệ chúng tôi. Trên xe, khi rời phi trường Boston, tôi đã
đếm không biết bao nhiêu tấm quảng cáo trình bày hình ảnh những thanh
thiếu niên trẻ và đẹp. Tấm có hình một anh chàng đội mũ cao bồi, miệng
ngậm điếu thuốc, tấm hai cô gái đẹp tươi cười bên cạnh chai thuốc gội đầu,
tấm có một cô bé choai choai mượt mà bận chiếc quần jeans, khuy quần mở
hớ hênh, và bích chương một người thiếu phụ trong chiếc áo nhung đen,
bên cạnh một người đàn ông bận bộ lễ phục, cả hai đang âu yếm choàng tay
nâng một ly rượu scotch.
Trong những hình ảnh lướt qua mắt, tôi chẳng thấy ai quá lứa tuổi ba
mươi lăm. Tôi bảo với thày Morrie là tôi đã cảm thấy mình già rồi, mặc dầu
từng cố gắng một cách tuyệt vọng để thoát khỏi nó. Tập thể dục liên miên.
Để ý cách ăn uống. Nhìn kiếng để xem xét chân tóc. Tôi đã trải qua thời kỳ
hãnh diện để khai báo tuổi tác mình - do những gì đã làm để duy trì tuổi trẻ