– đến lúc này tôi không còn muốn nhắc đến tuổi tác, bởi nỗi sợ hãi là mình
đã quá gần cái tuổi bốn mươi, bị nghề nghiệp lãng quên.
Thầy Morrie nhìn tuổi già với viễn ảnh khả quan hơn.
“Tất cả những thứ trên đều nhắm vào những người trẻ - Tôi không
đồng ý đâu.” Ông nói. “Nghe đây, tuổi trẻ cũng có biết bao điều bất hạnh,
bởi thế đừng nói với tôi tuổi trẻ thật tuyệt vời. Tất cả những người trẻ đã
tìm đến tôi vì chúng có những dằn vặt, xung đột, cảm giác thiếu thốn, cảm
thấy cuộc sống bất hạnh, xấu xa quá đỗi, có khi chỉ muốn tự kết liễu đời
mình nữa...
"Thêm vào những bất hạnh đó, người trẻ cũng không khôn ngoan.
Chúng hiểu rất ít về cuộc đời. Thử hỏi có ai giữa cuộc sống hằng ngày
chẳng mảy may muốn biết điều gì đang xảy ra quanh mình? Người ta điều
khiển mình với những lời dụ dỗ như hãy mua thứ dầu thơm này sẽ làm cho
đẹp da, hay nếu mặc quần jean này sẽ trở nên hấp dẫn hơn – và cứ thế mà
tin họ! Những điều như thế có phải là vô lý chăng!”
- Thế thầy có bao giờ hãi sợ tuổi già? Tôi hỏi.
- Không, tôi đón nhận tuổi già.
- Đón nhận nó?
- Mitch, tôi đón nhận tuổi già.
- Đón nhận tuổi già à?
“Đơn giản lắm. Càng lớn lên, anh càng được học hỏi thêm. Nếu anh cứ
ở mãi tuổi hai mươi hai, anh sẽ luôn luôn ngu ngơ như đang ở tuổi hai mươi
hai. Anh biết đó, già cả không chỉ là suy tàn, mà là sự phát triển. Nó không
chỉ nằm ở mặt tiêu cực là đưa anh đến cái chết, mà chính thật nhờ nó, anh
sống được đời sống tốt đẹp hơn”.
- Vâng, nhưng nếu tuổi già có giá trị như vậy, tại sao mọi người luôn
nói: "Ồ, giá như tôi còn trẻ ", chẳng bao giờ mình nghe người ta nói: "Tôi
ước muốn tôi sáu mươi lăm tuổi. "