Ông cố gắng đưa tay lên, nhưng bàn tay yếu đuối, chỉ nhấc lên có sáu
phân tây thôi.
"... Tôi đưa tay ra, làm bộ như sắp làm một cử chỉ thô tục, nhưng tôi lại
vẫy tay với họ, và mỉm cười. Đáng nhẽ dơ tay mắng, mình để họ đi trước
mình, và mình mỉm cười. Anh biết không, phần đông họ cười trở lại".
"Đúng ra thì tôi chẳng vội vàng gì với chiếc xe của tôi, chẳng thà tôi để
cả nhiệt huyết mình vô con người ta".
Ông đã áp dụng điều này hơn bất cứ ai tôi đã từng quen biết. Những
người ngồi với ông đã thấy mắt ông ươn ướt khi họ tâm sự về một chuyện
đau khổ, hay trông thấy ánh mắt ông sáng lên khi họ kể chuyện cười. Ông
sẵn sàng biểu lộ cảm xúc của mình, một tình cảm hình như thiếu sót trong
thế hệ baby boomer của chúng tôi. Chúng tôi thì rất tài với những mẫu
chuyện nho nhỏ: "Anh làm công việc gì?" "Anh sống ở đâu?" Nhưng thật
sự lắng nghe một người - mà không cố tình bán cho họ cái gì, hay cố thuyết
phục họ gia nhập tổ chức nào, hay dựa một địa vị nào đó nơi họ - thì thông
thường ra ai có lắng nghe ai không? Tôi tin rằng những người khách đến
thăm thầy Morrie trong những giờ phút cuối cùng của ông, họ bị cuốn hút,
không phải vì sự chú ý mà họ muốn trao cho ông, ngược lại là sự chăm chú
ông đã dành cho họ.
Mặc dù mang cơn đau thể xác tàn lụi, người đàn ông bé nhỏ này lắng
nghe chăm chú, mọi người muốn được người ta lắng nghe mình như thế đó.
Tôi bảo với ông rằng ông là người cha mọi người mong ước.
"Vâng", ông nói mắt nhắm: "Trong lãnh vực này thì tôi có kinh
nghiệm".
*
* *
Lần cuối cùng thầy Morrie thấy mặt cha ông là tại nhà xác tỉnh. Charlie
Schwartz là một người đàn ông trầm lặng, thích đọc báo một mình, dưới ánh