III
MỘT ĐÁM TANG: CƠ HỘI ĐỂ TÁI SINH
Mùa xuân năm 1832.
Ba tháng rồi, bệnh dịch tả đã làm mọi người khiếp vía và khiến cho đầu
óc mọi người trước kia hỗn loạn, nay đã dịu dần đi trong cảnh u buồn. Tuy
vậy, Paris từ lâu hình như đã sẵn sàng chờ một cuộc chấn động. Thành phố
to lớn này giống như một khẩu trọng pháo. Nạp đạn rồi, chỉ cần một ngòi lửa
là viên đạn bay ra. Tháng sáu năm 1832 cái chết của tướng Lamarque chính
là cái tia lửa châm ngòi vậy. Lamarque là một người có danh vọng và một
con người hành động. Trong thời Đế Chế cũng như trong thời gian Quân
Chủ Phục Hưng, ông đã có được hai loại dũng cảm kế tiếp nhau, cần thiết
cho hai giai đoạn: Dũng cảm trên bãi chiến trường và dũng cảm trên diễn
đàn. Ông ăn nói hùng hồn cũng như ông đã từng chiến đấu anh dũng. Trong
lời nói của ông nghe như có gươm đao. Cũng như tướng Foy,
người đi
trước ông, sau khi đã nêu cao quân lệnh, ông đã nêu cao quyền tự do. Ở Nghị
Viện, ông ở giữa phái tả và phái cực tả. Nhân dân yêu quý ông, vì ông dám
chọn phía tương lai, dân chúng thích ông, vì ông đã tận trung với Hoàng Đế.
Cùng với các Bá Tước Gérard và Drouet, ông là một Thống Chế cỡ nhỏ
của Hoàng Đế Napoléon. Những hòa ước 1815 làm ông bất bình như là một
điều xúc phạm đối với bản thân. Ông căm ghét Wellington ra mặt nên quần
chúng càng ưa thích ông. Mười bảy năm nay, trong khi thờ ơ đối với những
biến cố quá độ, ông vẫn khẳng khái giữ nguyên mối buồn về trận Waterloo.
Khi hấp hối, đến phút cuối cùng ông còn xiết chặt vào ngực thanh gươm mà
các võ quan thời Bách Nhật đã trao tặng. Napoléon chết, miệng còn nhắc hai
chữ Quân Đội. Lamarque mất đi, miệng còn lẩm bẩm hai tiếng Tổ Quốc.
Mọi người đều biết ông sắp chết. Nhân dân lo ngại vì đó là một tổn thất cho
họ, Chính Phủ lo ngại vì đó là một cơ hội bạo động. Cái chết của ông là một
tang chung. Như mọi điều chua xót, lòng nhớ tiếc có thể biến thành sự nổi
loạn. Mà quả thực thế.
Ngay hôm trước và sáng ngày 5 tháng sáu là ngày đưa đám, ở Saint
Antoine, nơi đám tang đi qua, xem có vẻ dễ sợ. Ở đây phố xá đông đúc đâm