II
CÁC VỤ CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC THAI
NGHÉN TRONG NHÀ TÙ NHƯ THẾ NÀO
Thắng lợi của Javert trong nhà nát Gorbeau có vẻ như hoàn toàn, thật ra
thì không. Trước hết và đây là điều lo nghĩ chính của Javert: Anh ta không
bắt giữ được người bị bọn kẻ cướp bắt giữ. Người bị giết mà cũng trốn đi thì
còn đáng nghi hơn kẻ giết người nữa; có phần chắc là cái nhân vật quý giá
đối với bọn kẻ cướp ấy cũng là miếng mồi ngon không kém đối với người
cầm quyền.
Rồi thì thằng Montparnasse cũng trốn thoát. Phải chờ một cơ hội khác để
tóm cổ thằng “công tử của quỷ vương” đó. Quả vậy thằng Montparnasse gặp
Éponine đứng gác ở dưới hàng cây của đại lộ, đã dắt cô ả đi vì nó thích tình
tự với cô gái hơn là hoạt động với ông bố. May cho nó biết bao. Nhờ vậy mà
nó thoát lưới. Còn Éponine thì lại bị Javert chộp. Sự bù đắp ấy chả thấm vào
đâu, Éponine theo Azelma vào ngục.
Cuối cùng thì thằng Claquesous mất tích trong lúc chúng bị giải đi từ nhà
Gorbeau đến trại giam La Force. Không ai biết sự việc đã xảy ra như thế
nào, đội viên cũng như đội trưởng đều nói “chẳng hiểu trời đất gì” trong ấy.
Nó đã biến ra mây khói, nó luồn qua khóa tay mà đi, nó đã chảy qua các khe
hở của chiếc xe nứt đáy và đã chạy mất. Ở trong vụ này, có tiên thuật hay là
cảnh sát thuật gì đấy. Claquesous đã tiêu tan trong bóng tối như tuyết tan
trong nước chăng? Hay là có sự đồng lõa kín đáo của nhân viên cảnh sát?
Hoặc nó là cái cẩm nang mật hai mặt của trị an lẫn rối loạn? Cái thằng ấy
cũng có thể là tâm điểm chung của tội phạm và trấn áp. Hay là một con quái
bí mật, hai chân trước đặt trong tội ác, hai chân sau đứng trong uy quyền.
Javert thì không chấp nhận những thu xếp kiểu ấy. Nhưng đội tuần tra của
anh ta gồm một số thanh niên khác, dù là thuộc quyền anh ta nhưng lại được
truyền đạt những bí mật của cảnh sát. Còn Claquesous thì là một tên vô lại
cỡ lớn cho nên cũng có thể là một nhân viên mật thám hạng cừ. Lẩn lút trong
đêm tối tài tình như thế thì làm ăn cướp cũng cừ khôi mà làm mật thám cũng