III
CỤ MABEUF THẤY MA HIỆN
Marius chẳng viếng thăm một ai nữa, chỉ thỉnh thoảng lại gặp ông cụ
Mabeuf.
Trong khi Marius cứ từng bậc một dần bước xuống cái thang ghê rợn đưa
tới những hầm sâu hố tối, ở đấy người ta nghe những kẻ sung sướng như
bước đi trên đầu mình, thì đằng cụ Mabeuf, cụ cũng xuống dốc như thế.
Sách Hoa Quả Xứ Cauteretz tuyệt đối không còn bán được quyển nào.
Cuộc thí nghiệm về chàm không thành công chút nào trong cái mảnh vườn
Austerlitz thiếu ánh sáng. Cụ Mabeuf chỉ trồng được ở đấy một vài thứ cây
ưa ẩm và cớm. Mặc dù thế, cụ không thất vọng. Cụ đã xin được một khoảnh
đất ở Vườn Bách Thảo, khá thoáng, để lại “bỏ tiền” thí nghiệm về chàm. Cụ
đã mang các bản khắc đồng của tác phẩm mình đem cầm để lấy tiền làm việc
ấy. Cụ cũng đã rút bữa ăn trưa xuống còn hai quả trứng, nhưng lại để dành
cho một bà ở già mà đã mười năm nay cụ không trả tiền công. Thường
thường bữa ăn trưa ấy lại là bữa ăn duy nhất trong ngày. Ông cụ không còn
giữ cái cười trẻ con nữa, trở nên buồn rầu và không còn muốn tiếp một ai.
Marius không còn nghĩ tới việc đến cụ là phải. Đôi khi, trên đường đi đến
vườn bách thảo, cụ già lại gặp chàng thanh niên ở phố Hôpital. Cả hai đều
không nói gì, chỉ gật đầu ra hiệu một cách buồn bã. Kể cũng đau lòng thật có
lúc cái nghèo làm cho người ta phải xa nhau là thế! Trước khi là bạn bè, bây
giờ thì chỉ là khách qua đường thôi.
Anh hàng sách Royol đã qua đời. Cụ Mabeuf chỉ còn biết đến mấy quyển
sách, mảnh vườn và việc làm chàm của mình. Tất cả hạnh phúc, thú vui, hy
vọng của cụ đều thể hiện ra dưới ba hình thái ấy, thế mà cũng đủ cho cụ sống
được rồi. Cụ tự bảo: “Bao giờ mình chế được những viên thuốc nhuộm màu
xanh chàm thì nhất định là phú quý; bấy giờ sẽ chuộc các thứ đồ đồng lại,
quảng cáo ầm ĩ trên báo chí, dùng cả trống kèn để chiêu khách làm cho cuốn
Hoa Quả của mình trở lại nổi tiếng như cồng và ta sẽ mua một cuốn Kỹ
Thuật Hàng Hải có tranh khắc gỗ, bản in năm 1558, mua ở đâu ta biết chỗ
rồi". Trong khi đợi thời, cụ cặm cụi suốt ngày ngoài đám chàm, đến tối mới