tìm hiểu một nguyên do nào cả; nàng đã đến thời kỳ sợ người khác đoán
được lòng mình và sợ để lộ chuyện riêng. Jean Valjean không hề có kinh
nghiệm nào về loại đau khổ ấy, loại đau khổ duy nhất đáng yêu, loại đau khổ
duy nhất mà ông chưa hề biết tới; do đó mà ông không sao hiểu được cái ý
nghĩa nghiêm trọng trong sự im lặng của Cosette. Ông chỉ nhận thấy nàng
buồn và ông cũng âu sầu theo. Đây là sự đương đầu của hai người không
từng trải.
Một lần, ông muốn dò xét, hỏi Cosette:
— Con có muốn đi chơi vườn Luxembourg không?
Một tia sáng làm rạng nét mặt nhợt nhạt của Cosette. Nàng trả lời:
— Vâng.
Hai cha con cùng đi. Đã ba tháng, hôm ấy họ mới trở lại. Marius không
còn đến đấy nữa, nên không thấy bóng dáng chàng.
Hôm sau Jean Valjean hỏi lại Cosette:
— Con đi vườn Luxembourg không?
Nàng trả lời, buồn rầu và dịu dàng:
— Không.
Vẻ buồn rầu ấy làm ông khó chịu và giọng dịu dàng kia khiến ông não nề
trong lòng. Cái gì đã xảy ra trong khối óc non dại như thế mà đã khó hiểu
đến thế? Cái gì đang hình thành ngấm ngầm trong ấy? Cái gì đã xảy đến với
tâm hồn cô bé kia? Có khi ông không ngủ, cứ ngồi bên cái giường khổ, hai
tay ôm đầu, thức suốt đêm với câu hỏi: Cosette đang nghĩ gì? Và lại miên
man tìm hiểu mọi thứ Cosette có thể nghĩ đến. Chao ôi, những lúc ấy, cặp
mắt của ông nhìn về hướng nhà tu mới đau khổ làm sao! Nhà tu, cái đỉnh của
sự trong sạch, thế giới của thiên thần, cái chóp núi băng cao vút của đạo đức.
Ông ngắm nhìn một cách tuyệt vọng nhưng say sưa làm sao cái vườn của
nhà tu, ở đấy bao nhiêu hoa không người biết tới, ở đấy bao nhiêu trinh nữ
cấm cung, ở đấy mọi hương thơm và mọi linh hồn đều lên thẳng tới thiên
đường! Ông quý mến làm sao cái cảnh bồng lai mà ông đã tự nguyện từ bỏ
ra đi một cách cuồng dại. Cảnh bồng lai ấy bây giờ đối với ông đã cửa đóng
then cài vĩnh viễn rồi. Sao mà ông hối tiếc việc ông đã vô tư và điên cuồng
đưa Cosette trở lại xã hội như thế này! Ông, người anh hùng đáng thương
của sự hy sinh, ông vừa bị quật ngã chính vì lòng hy sinh của mình. Ông