VIII
XIỀNG XÍCH
Trong hai người, Jean Valjean khổ hơn cả. Tuổi trẻ ngay những lúc buồn,
cũng có một thứ ánh rạng rỡ riêng của nó.
Đau khổ có cái đặc điểm làm cho khía cạnh trẻ con ở con người sống trở
lại. Jean Valjean có những lúc đau khổ quá đỗi cũng hóa ra ngây thơ. Ông
cảm thấy một cách mãnh liệt Cosette đang xa rời ông. Ông những muốn
kháng cự, giữ nàng lại, làm cho nàng phấn khởi bằng cái gì thật rực rỡ, thật
hình thức. Những ý nghĩ ngây thơ và cũng là ý nghĩ già nua ấy, như chúng
tôi vừa nói, chính nó trẻ con nên lại giúp ông có một ý niệm khá chính xác
về ảnh hưởng của các thứ huy hoàng diêm dúa đối với trí tưởng tượng bọn
thiếu nữ. Một lần ông thấy một vị đại tướng nhung phục đại lễ cưỡi ngựa đi
qua ngoài phố; đó là Bá Tước Coutard, tư lệnh Paris. Ông sinh lòng thèm
muốn như con người đỏ ối vàng ấy và nghĩ bụng giá được toàn bộ nhung
phục như thế thì sướng biết chừng nào! Bộ nhung phục thế kia thì ai phủ
nhận được, Cosette mà nhìn thấy là phải lóa mắt ngay, rồi khi ông khoác tay
Cosette đi qua trước điện Tuileries, thấy binh lính bồng súng chào, thì nhất
định bấy nhiêu đó đủ làm Cosette vừa lòng rồi, không còn muốn ngó bọn trai
trẻ làm gì nữa.
Một rung chuyển bất ngờ thình lình đến xen vào những ý nghĩ buồn rầu
ấy. Từ ngày đến ở phố Plumet, trong cuộc sống cô độc của họ, họ có một
thói quen. Thỉnh thoảng hai cha con có cái thú dắt nhau đi xem mặt trời mọc.
Kể cũng là một thú vui nhẹ nhàng vừa hợp cho kẻ mới vào đời vừa hợp cho
người sắp từ giã cuộc sống. Ai thích cô tịch, thì đi dạo buổi sớm tinh sương
cũng như đi dạo ban đêm, chỉ khác là nó thêm quang cảnh vui tươi của tạo
vật. Đường xá vắng tanh, chim chóc ca hát. Cosette cũng là một con chim,
nàng rất vui lòng dậy sớm. Hôm nào đi chơi như thế thì hôm trước đã sắp đặt
sẵn. Ông đề nghị và nàng nhận lời. Công việc thu xếp như là một cuộc âm
mưu chính trị. Trời còn mờ mờ, hai cha con đã ra khỏi nhà. Bao nhiêu việc
xảy ra đều là bấy nhiêu mối vui nho nhỏ của Cosette. Những trò là lạ vô hại
ấy vẫn làm tuổi trẻ thích thú.