II
CHÚ GAVROCHE TÍ HON LỢI DỤNG NAPOLÉON
VĨ ĐẠI
Mùa xuân ở Paris thường có một thứ gió may cắt da thịt, nó không làm
cho người ta giá lạnh, nó làm cho người ta thành băng. Có gió ấy, những
ngày tươi đẹp bỗng nhiên biến thành ảm đạm, nó tựa như một luồng khí lạnh
lọt qua khe cửa đóng dối vào gian phòng ấm áp. Tuồng như cái cửa mùa
đông còn để hở cho nên gió lạnh thổi về từ phía ấy.
Mùa xuân năm 1832, vào độ vụ dịch lớn đầu thế kỷ ở Châu Âu, gió ấy
gay gắt, lạnh lùng hơn bao giờ hết. Rõ ràng là có một cái cửa nào lạnh hơn
cửa mùa đông nữa đã bỏ ngỏ. Đó là cửa nghĩa địa. Trong gió may đó, người
ta nghe thấy hơi thổi của ôn thần thổ tả. Đứng về khí tượng mà nói thì các
thứ gió lạnh ấy có một đặc điểm là không loại trừ điện thế cao trong không
khí. Vào thời kỳ đó có nhiều trận giông tố đã xảy đến với chớp giật và sấm
sét.
Một buổi tối, gió may thổi gắt gao đến nỗi người ta tưởng tháng giêng đã
trở lại và bọn tư sản đều lấy áo choàng ra mặc. Chú bé Gavroche vẫn run
cầm cập trong bộ đồ rách nát và vẫn vui tươi, chú đứng ngây ngất trước cửa
hàng một người thợ cạo. Chú mang một cái khăn quàng phụ nữ bằng len
nhặt ở đâu không biết mà chú đem dùng làm khăn quàng cổ. Chú có vẻ say
sưa ngắm một cái tượng cô dâu mặc áo cưới bằng sáp, áo hở ngực, tóc cài
hoa cam. Cái tượng quay vòng đằng sau cửa kính, giữa hai ngọn đèn dầu và
cười duyên với khách qua đường. Dáng thì thế, nhưng thật thì Gavroche
đang quan sát cửa hàng để xem có cách gì “xoáy” một bánh xà phòng trong
quầy để đem bán một xu cho người thợ hớt tóc ngoại ô. Đã nhiều lần chú ăn
sáng một cái bánh như thế. Chú có biệt tài về ngón “xoáy” ấy, mà chú gọi
bóng là “sửa râu cho bác thợ cạo”.
Vừa ngắm tượng cô dâu mới và liếc bánh xà phòng chú vừa lẩm bẩm
trong miệng: “Ngày thứ ba. Không phải ngày thứ ba. Có ngày thứ ba không
ấy? Có lẽ là thứ ba. Ừ phải. Thứ ba". Không ai biết chương độc thoại ấy nói