— Giấc thôi.
Rồi chú thổi nến. Nến vừa tắt thì tấm lưới thau rung rung, một cách kỳ dị.
Vô số cái gì cọ sát trên lưới, làm nên những tiếng đồng tiếng sắt lanh tanh, y
như có răng có vuốt mài lên dây thau. Cùng với sự rung động ấy có những
tiếng rỉ rích. Thằng bé lên năm nghe thấy những tiếng động ấy trên đầu, suýt
chết khiếp. Nó hích khuỷu tay vào sườn anh, nhưng anh nó theo lệnh
Gavroche đã “giấc” rồi. Không dằn lòng được vì khiếp đảm quá, thằng nhỏ
đành liều, gọi Gavroche, nhưng rất khẽ, vừa gọi vừa nín hơi:
— Ông ơi!
— Gì? - Gavroche vừa chợp mắt, tỉnh dậy hỏi.
— Cái gì đó ạ?
— À! Đó là ông tí ở cống.
Gavroche lại đặt đầu xuống chiếu. Quả như chú nói, chuột cống nhung
nhúc trong sườn voi. Đích chúng là những chấm đen động đậy chúng ta đã
nói ở trước. Nếu còn sáng thì chúng còn nể, chỉ thấp thoáng ở xa. Nhưng cái
động này là xứ sở của chúng. Khi động chìm trở lại vào bóng tối, chúng ngửi
thấy mùi “thịt tươi” trong lều Gavroche thì đổ xô đến, leo lên tận đỉnh mà
gặm mà nhấm các mắt lưới để tìm cách chọc thủng.
Thằng bé vẫn không ngủ được. Nó lại gọi:
— Ông ơi!
— Gì?
— Thế ông tí là gì?
— Ông tí là chuột.
Cách giải thích làm thằng bé bớt sợ một phần. Nó đã từng trông thấy
chuột bạch và nó không sợ chuột bạch. Tuy vậy nó hãy còn lên tiếng hỏi:
— Thưa ông?
— Gì đó?
— Sao ông không nuôi một con mèo?
— Trước tao có một con, tao mang lại đây, nhưng chúng ăn thịt mất.
Câu giải thích này thủ tiêu hiệu quả của câu thứ nhất. Thằng bé lại run sợ.
Cuộc đối thoại giữa nó và Gavroche diễn ra lần thứ tư.
— Thưa ông?
— Gì nữa?