I
NGUỒN GỐC
Pigritia
là một từ ghê gớm. Nó sinh ra cả một thế giới La Pègre, hãy
hiểu: Việc trộm cắp và cả một địa ngục La Pègrenne, hãy hiểu: Sự đói khát.
Như vậy lười biếng là mẹ đẻ.
Nó có một con trai là trộm cắp và một con gái là đói khát. Hiện chúng ta
đang ở địa hạt nào? Tiếng lóng.
Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm; đó là một đánh
cắp dưới hai hình thức, nhân dân và ngôn ngữ. Cách đây ba mươi tư năm,
khi thuật giả câu chuyện nghiêm trang và thảm đạm này đưa vào một quyển
sách, viết cũng một mục đích với quyển sách này (Quyển "Ngày cuối cùng
của một người tử tù" Dernier jour d'un condamné), một tên ăn cắp nói tiếng
lóng, thì người ta sửng sốt và la ó: “Thế nào? Sao? Tiếng lóng à! Nhưng
tiếng lóng thì thật là ghê tởm! Đó là ngôn ngữ của những tên khổ sai, những
nhà ngục, của tất cả những gì khả ố nhất trong xã hội…"
Chúng tôi chưa bao giờ hiểu được cái lối bôi bác đó.
Từ khi ấy, hai nhà tiểu thuyết lớn, một là người quan sát sâu sắt lòng
người, còn một là bạn dũng cảm của nhân dân, Balzac và Eugène Sue, để
cho bọn kẻ cướp nói cái ngôn ngữ tự nhiên của họ, cũng như năm 1828 tác
giả cuốn "Ngày cuối cùng của một người tử tù" đã làm và đã bị công kích.
Người ta đã nhắc lại: "Các nhà văn muốn gì với cái khổ âm ngỗ ngược ấy?
Tiếng lóng khả ố! Tiếng lóng làm cho người ta ớn run!"
Ai chối cãi cái đó? Chắc là không ai.
Nhưng trong việc thăm dò một vết thương, một vực thẳm hay một xã hội,
thì đi sâu vào đi, đi đến tận đây, phải đâu là tội lỗi? Chúng tôi bao giờ cũng
nghĩ rằng đó là một hành vi đôi khi dũng cảm, hay ít nhất là một hành động
đơn giản, tự nhiên và có ích, xứng đáng được quan tâm, thông cảm đối với
một nhiệm vụ tự nguyện đã hoàn thành. Tại sao không khám phá cho hết,
không nghiên cứu cho hết, tại sao dừng lại ở nửa đường? Cái sào thăm dò có
thể dừng lại, người thăm dò thì không.
Tìm tòi tận đáy xã hội, nơi đất hết và bùn bắt đầu, đào mò trong những