— Vâng, ông tên là người anh em của tôi.
Hắn kêu lên:
— Này, cụ xứ! Lạ quá, lúc mới vào thì tôi đói thế, mà thấy cụ tốt quá, bây
giờ tôi không biết tôi ra làm sao nữa, hết cả đói, cụ ạ.
Ông Giám Mục nhìn khách, hỏi:
— Ông đã từng chịu đau khổ nhiều phải không?
— Chao ôi! Áo tù nhân màu đỏ, đeo tạ ở chân, một tấm ván làm giường,
rồi nóng bức, rét mướt, lao công khổ dịch, roi vọt. Hơi một tí là xích cả hai
chân. Lỡ một tiếng là ngục tối. Ốm liệt giường cũng xích cùng cùm. Nghĩ
kiếp con chó, con chó còn sướng hơn. Mười chín năm trời! Bốn mươi sáu
tuổi rồi. Đến giờ lại phải đeo cái giấy thông hành vàng. Cái kiếp của tôi nó
thế đấy.
— Vâng. Ông vừa ở một chốn sầu khổ ra. Tôi nói ông nghe. Trên trời sẽ
dành cho gương mặt đẫm lệ của một người hối lỗi nhiều hạnh phúc hơn cho
chiếc áo trắng tinh của hàng trăm người chính trực đó ông ạ. Nếu ông từ nơi
đau khổ ấy bước ra với những tư tưởng hằn thù và căm giận đối với người
đời, ông là một người đáng thương; nhưng nếu ông từ đó ra với những tư
tưởng độ lượng và hiền hòa, thì chúng tôi không ai bằng ông được.
Lúc ấy, bà Magloire bưng thức ăn lên. Một món xúp nấu với dầu, bánh
mì và muối, mấy lát mỡ, một miếng thịt cừu, mấy quả vả, một miếng pho
mát tươi và một cái bánh mì lớn. Bà còn tự ý thêm vào bữa ăn thường nhật
ấy một chai rượu vang cũ xứ Mauves. Nét mặt ông Giám Mục bỗng dưng
tươi vui hẳn lên, cái tươi vui riêng của những người hiếu khách. Ông nói to:
— Nào, ta ăn đi!
Theo thường lệ, những khi nhà có khách ăn cơm, ông mời khách ngồi ở
phía bên phải mình. Cô Baptistine điềm tĩnh và tự nhiên, ngồi sang phía bên
trái. Ông đọc kinh, rồi vẫn như mọi ngày, đích thân múc xúp ra. Khách bắt
đầu ăn ngốn ngấu.
Bỗng ông Giám Mục bảo:
— Chừng như trên bàn này còn thiếu một thứ gì.
Thì ra bà Magloire chỉ bày có ba bộ thìa nĩa bạc vừa đủ cho ba người
thôi. Song lệ nhà xưa này hễ có mời khách, thì phải bày cả sáu bộ, kể cũng là
một cách phô trương vô tội. Trong cái gia đình êm ả và nghiêm nghị mà mọi