năm nay, tôi có hề được nằm giường bao giờ đâu. Hóa ra thật tình ông bằng
lòng cho tôi ở lại đây. Các ông bà phúc đức quá. Vả lại, tôi có tiền cơ mà.
Tôi xin trả sòng phẳng cả. Ông bỏ lỗi cho, tên ông là gì nhỉ, ông chủ quán?
Ông tính bao nhiêu tôi cũng trả. Ông tử tế lắm mà. Ông là chủ quán có phải
không?
Ông Giám Mục nói:
— Tôi là một nhà tu hành, nhà ở đây.
— Một nhà tu hành! Ồ, một nhà tu hành phúc đức. Thế thì ông không bắt
tôi trả tiền à? Té ra ông là cha xứ phải không? Cha xứ ở cái nhà thờ to lớn
này? Ừ mà thật, ngốc quá, tôi lại không trông thấy cái mũ ni của ông chứ!
Vừa nói hắn vừa xách ba lô và cây gậy để vào một góc nhà, cất giấy
thông hành vào túi, rồi lại ghế ngồi. Cô Baptistine hiền từ nhìn hắn. Hắn nói
tiếp:
— Cụ xứ ạ, cụ nhân đức thật. Cụ không khinh người. Một nhà tu hành
nhân đức kể cũng quý thật. Thế thì cụ không cần tôi trả tiền à?
— Không, ông cứ giữ lấy. Ông có bao nhiêu nhỉ? Lúc nãy ông bảo có
một trăm linh chín francs phải không?
— Với mười lăm xu nữa.
— Một trăm linh chín francs mười lăm xu. Thế ông làm lụng bao lâu mới
kiếm được số tiền ấy?
— Mười chín năm.
— Mười chín năm?
Ông Giám Mục thở dài não nuột. Khách lại nói:
— Số bạc ấy tôi vẫn giữ nguyên chưa đụng tới. Bốn hôm nay tôi mới tiêu
hết có hai mươi lăm xu, lại là tiền công tôi dỡ hộ mấy xe hàng ở Grasse. Cụ
là nhà tu hành thì tôi cũng xin nói là ở trong tù chúng tôi cũng có một cha
Tuyên Úy. Một bận tôi còn được trông thấy một ông Giám Mục nữa. Ai nấy
đều gọi là Đức Cha. Ông Giám Mục ấy ở nhà thờ Majore ở Marseille. Chừng
ông ta là cụ xứ ở trên tất cả các cụ xứ thì phải. Cụ bỏ lỗi cho, tôi không biết
nói thế nào cho rõ, nhưng đối với tôi, ông ấy xa xôi quá! Bận ấy ông ta đến
làm lễ ở giữa trại giam… ông ta đội một cái gì hình nhọn bằng vàng. Ban
trưa trời nắng, trông nó nhấp nha nhấp nhánh. Chúng tôi xếp thành hàng
đứng ra ba bên. Một lô súng thần công, mồi đốt sẵn, chĩa vào trước mặt.