III
DŨNG CẢM NHẮM MẮT VÂNG LỜI
Cửa mở ra. Cửa mở toang thật mạnh như có người đẩy thốc vào một cách
quả quyết.
Một người bước vào. Người ấy, chúng ta biết là ai rồi. Chính là người
khách bộ hành lang thang tìm chỗ trọ ban nãy. Hắn bước vào một bước rồi
dừng lại, cứ để cửa mở toang ở đằng sau. Hắn đeo ba lô trên vai, tay cầm gậy
mắt đầy vẻ thô lỗ, táo tợn, mệt nhọc và phũ phàng. Ánh lửa trong lò sưởi rọi
vào hắn. Trông hắn thật gớm chết. Chẳng khác gì ma quỷ hiện hình.
Bà Magloire giật nảy mình, sợ hết vía, bủn rủn cả người, chỉ đứng há hốc
mồm không kêu nổi tiếng nào. Cô Baptistine quay ra thấy người lạ mặt vào
thì hoảng hốt nhổm người lên, nhưng dần dần ngoảnh mặt về phía lò sưởi,
nhìn kỹ ông anh, nét mặt cô trở lại bình tĩnh và trong sáng.
Ông Giám Mục bình tĩnh nhìn khách. Ông vừa định cất tiếng hỏi khách
muốn gì thì người lạ mặt chống cả hai tay lên đầu gậy, đưa mắt nhìn hết ông
già đến hai người đàn bà và không chờ ông hỏi, lớn tiếng nói:
— Thế này này, tôi tên là Jean Valjean, tù khổ sai. Tôi đã ở mười chín
năm trong nhà lao. Tôi được thả bốn hôm nay và bây giờ tôi đương đi về
Pontarlier. Bốn ngày nay tôi đi bộ từ Toulon về đây. Ngày hôm nay đi những
mười hai dặm. Lúc chập tối đến đây, tôi vào một hàng cơm, họ đã đuổi tôi vì
tấm thông hành màu vàng tôi đưa trình ở thị xã. Không đưa trình sao được!
Tôi lại đến một quán khác, chỗ nào họ cũng bảo: “Cút đi”. Chẳng ai muốn
chứa tôi cả. Tôi đến đằng chỗ nhà giam người gác không chịu mở cửa. Tôi
chui vào một cái ổ chó, chó cũng cắn tôi và đuổi tôi y như người vậy, ý
chừng nó cũng biết tôi là người như thế nào. Tôi bỏ ra ngoài đồng định tìm
chỗ ngủ dưới ánh sao trời. Trời lại tối đen, không có sao. Tôi sợ mưa. Có
Đức Chúa nào tốt để ngăn khỏi mưa đâu, nên tôi lại trở vào tỉnh tìm một xó
cửa. Đến quảng trường, tôi đã định ngủ trên ghế đá thì có một bà già phúc
đức trỏ nhà ông và bảo: “Cứ gõ cửa mà vào”. Thế là tôi gõ cửa. Đây là đâu?
Có phải là một quán trọ không? Tôi có tiền. Tiền lưu công đấy. Một trăm
linh chín francs mười lăm xu tiền công của tôi làm trong mười chín năm ở