III
TIẾNG LÓNG KHÓC VÀ TIẾNG LÓNG CƯỜI
Như người ta đã thấy, toàn bộ tiếng lóng, tiếng lóng cách đây bốn trăm
năm cũng như tiếng lóng ngày nay thấm sâu cái tinh thần tượng trưng âm
thầm nó ban cho mọi từ, khi thì một dáng xót xa, khi thì một vẻ đe dọa.
Người ta cảm thấy ở trong đó cái buồn xưa hung hãn của những người hành
khất ở xóm Ăn Mày, họ đánh bài với những con bài riêng của họ, mà mấy
con đã lưu lại cho đến thời chúng ta. Con tám chuồn (trèfle), chẳng hạn, biểu
hiện một cây lớn có tám lá to tướng chẻ ba, một kiểu nhân cách hóa rừng cây
kỳ lạ. Dưới chân cây đó có ba con thỏ rừng đang dùng xiên quay một người
đi săn trên đống lửa, đằng sau, trên một ngọn lửa khác, một cái nồi bốc khói
nghi ngút, có đầu một con chó thò ra. Còn có gì ảm đạm hơn là những cách
trả đũa bằng tranh vẽ trên một bộ bài như vậy, trước cảnh những giàn củi để
thiêu bọn buôn lậu và cái nồi Chaudière để luộc những người làm bạc giả.
Những hình thức khác nhau mà tư duy đã khác trong vương quốc tiếng lóng,
ngay đến cả bài hát, câu chế giễu, lời đe dọa đều có cái tính chất bất lực và bị
đè nén đó. Tất cả những bài hát, mà mấy khúc điệu đã sưu tầm được, thật tự
ti và thê thảm đến rớt nước mắt. Trong các khúc đó tên ăn trộm được gọi là
tên trộm tội nghiệp và nó luôn luôn như con thỏ rừng ẩn nấp, con chuột chạy
trốn, con chim xa bay, Không chút dám hỏi đòi, nó chỉ đành than thở, một
trong những tiếng rên rỉ ấy đã vọng đến chúng ta ngày nay: «Je n'entrave
que le dail comment meck, le daron des orgues, peut atiger ses mômes et ses
momignards et les locher criblant sans être atigé lui même» (tôi không hiểu
sao Thượng Đế, cha của loài người, lại có thể giày vò con cháu mình và
nghe thấy chúng kêu mà tự mình chẳng thấy giày vò). Người khốn hổ mỗi
khi có thời gian suy nghĩ thì tự hạ mình trước pháp luật và thu mình trước xã
hội, nó nằm úp bụng xuống, nó van nài, nó kêu gọi lòng xót thương, người ta
cảm thấy nó biết rằng nó có lỗi.
Vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, có một biến đổi. Những bài hát của lao
tù, những điệp khúc của trộm cắp đã có thể nói là có một dáng dấp hỗn xược
và vui vẻ. Điệu maluré than vãn được thay bằng điệu larigla. Ở thế kỷ 18,