quý lắm; soi sáng cho nó cũng đã đáng kể rồi. Tất cả những công trình xã hội
học hiện đại đều tập trung vào mục đích đó. Nhà tư tưởng ngày nay có một
nhiệm vụ lớn là thăm bệnh nền văn minh.
Chúng tôi nhắc lại, sự thăm bệnh đó cổ vũ ta, và chúng tôi nhấn mạnh sự
cổ vũ đó để chấm dứt mấy trang này, coi mấy trang này là một dịp tạm nghỉ
nghiêm nghị giữa tấn kịch đau lòng. Dưới tính bất tử của xã hội, người ta
cảm thấy tính bất tử của nhân loại. Dù đây đó có những vết lở loét, những
phễu núi lửa và có những vạt hắc lào, những lỗ phun hơi, dù có một núi lửa
đến kỳ phun lửa, quả đất vẫn không chết. Những bệnh hoạn dân chúng
không làm chết con người. Tuy nhiên ai theo dõi lâm sàng xã hội, thỉnh
thoảng cũng lắc đầu. Những người khỏe nhất, những người tình cảm nhất,
những người lý trí vững vàng nhất, cũng có những phút động dao.
Tương lai có đến không? Hình như người ta có thể đặt câu hỏi đó ra khi
thấy bóng tối dày kinh khủng. Cuộc đối diện đen tối giữa lũ ích kỷ và những
kẻ khốn cùng. Ở phía bọn ích kỷ thì những thành kiến, những ngu dốt trong
một nền giáo dục trưởng giả, sự thèm khát càng tăng do say sưa thỏa mãn, sự
choáng váng làm điếc tai vì cảnh phồn vinh phát đạt, nỗi sợ khổ đau lên đến
trạng thái ghét cả người đau khổ ở một số, sự tự mãn gắt gao, cái “tôi” bơm
phồng len đến bịt kín tâm hồn; ở phía kẻ khốn cùng thì sự háo hức, lòng
ghen tị, sự hằn thù đối với kẻ hưởng thụ, những chấn động sâu xa ở con thú
người nhằm về nhu cầu, những tấm lòng mờ mịt mù sương, sự buồn thảm,
cái cần dùng, cái định mệnh, cái dốt nát đục ngầu và ngây ngô.
Có nên tiếp tục ngước mắt lên trời hay không? Cái điểm sáng nhìn thấy ở
trên cao có thuộc loại sẽ tắt không? Lý tưởng thật kinh khiếp khi nhìn nó xa
lắc trong bóng sâu, nhỏ bé, trơ trọi, khó trông thấy, ánh sáng đấy, nhưng bọc
giữa những đe dọa tối sầm, quái dị vây quanh nó. Tuy vậy lý tưởng chẳng
chút lâm nguy, cũng như một ngôi sao giữa những cụm mây há hốc.