không hề có một lời nhắc khách nhớ lại khách là người như thế nào và nói rõ
cho khách nhớ lại khách biết, anh tôi là ai. Bà tính, rõ ràng đó là cơ hội để
giảng một chút về đạo lý và lấy đức độ ông Giám Mục ấn mạnh lên tâm hồn
anh tù để anh ta ghi nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Một người khác gặp được kẻ
khốn khổ như thế, tất đã vừa cho phần xác ăn uống no nê lại vừa cho phần
hồn được nghe những lời phê bình, có mùi vị khuyên bảo, răn dạy, hoặc
những lời thông cảm thương hại kèm theo mấy câu khuyến khích người ta
sửa chữa về sau. Anh tôi thì không hề hỏi một câu về quê quán, lai lịch của
khách. Vì trong lai lịch ấy tất nhiên có tội lỗi đã qua, cho nên hình như anh
tôi có ý tránh không muốn nhắc cho khách nhớ đến. Thậm chí, khi nói
chuyện về người miền núi Pontarlier họ làm ăn thoải mái ở những vùng cao
gần trời và họ rất sung sướng vì tâm hồn họ trong trắng, anh tôi bỗng ngừng
bặt, sợ câu nói lỡ lời đó có điều gì làm phật lòng khách chăng. Nghĩ kỹ ra,
tôi mới đoán được bụng anh tôi. Ý hẳn anh tôi thấy rằng con người ấy - anh
ta tên Jean Valjean - tâm trí lúc nào cũng nghĩ ngợi đến nỗi khốn khổ của
mình rồi, tốt hơn hết là làm cho người ta khuây khỏa và làm cho người ta tin
tưởng, dù chỉ trong chốc lát, rằng người ta cũng là một con người như mọi
người khác vì thấy mình đối xử với người ta cũng tự nhiên như đối với mọi
người. Có phải như thế là hiểu đúng nghĩa chữ thương người không nhỉ? Có
phải cách anh tôi giữ gìn ý tứ tuyệt nhiên không nói gì đến đạo lý, nhân
nghĩa, không nói gì xa xôi bóng gió cả, cách ấy có cái gì thật là tế nhị, thật là
từ bi không bà chị? Có phải cách thương người thắm thiết nhất khi đứng
trước một người đau khổ là đừng đả động gì đến điều đau khổ ấy phải
không? Theo tôi, hình như thâm ý của anh tôi hôm ấy là thế. Dù sao, tôi chỉ
thấy một điều rất rõ là dù anh tôi có nghĩ như vậy đi chăng nữa, anh tôi cũng
chẳng hề tỏ ra cho ai biết cả, với tôi cũng thế. Suốt buổi tối hôm ấy anh tôi
vẫn một thái độ như thường ngày, ngồi ăn với cái anh Jean Valjean ấy vẫn
niềm nở, thận trọng như ngồi ăn với ông Le Prévost hay cụ xứ bản hạt vậy.
Lúc gần xong bữa, ăn đến món vả thì có người gõ cửa. Mụ Gerbaud ẵm
đứa con nhỏ vào. Anh tôi hôn vào trán đứa bé, hỏi vay tôi mười lăm xu đưa
cho mụ. Lúc ấy, khách không hề để ý gì hết, chẳng nói chẳng rằng, ra dáng
mệt mỏi lắm. Mụ Gerbaud ra rồi, anh tôi đọc kinh cầu nguyện rồi quay bảo
khách: “Chắc ông cần nghỉ lắm rồi!” Bà Magloire thu dọn bàn thật nhanh.