đó càng làm cho lão già phát cáu. Lão nói tiếp:
— Thế nào? Tình ông cháu mà anh nỡ bỏ tôi bơ vơ. Anh bỏ nhà tôi anh
đi, đi đâu không biết. Anh làm cho dì anh buồn rầu. Ai mà chẳng biết! Anh
muốn tự tiện ăn xài, diện cho sướng, đi về không quản đêm hôm, chơi bời
cho thỏa thích. Anh không còn cho tôi biết tin tức anh sống chết ra sao. Anh
đi vay nợ cũng không thèm bảo tôi trả. Anh theo lũ ông mãnh đập vỡ cửa
kính, làm om trời om đất. Thế sau bốn năm, anh trở về nhà tôi và chỉ nói có
bấy nhiêu câu phải không?
Cách mắng nhiếc để khiến cho đứa cháu phải thương xót mình, cách ấy
chỉ làm cho Marius câm miệng. Lão khoanh tay, đó là cử chỉ thường lệ khi
lão đặc biệt nghiêm khắc. Lão mắng Marius một cách chua chát:
— Thôi nói tuốt đi Anh nói anh đến đây cầu khẩn tôi việc gì phải không?
Việc gì thì nói đi. Việc gì? Nói đi!
Marius nhìn ông tuyệt vọng như một con người biết mình sắp rơi xuống
vực thẳm.
— Thưa ông, cháu về xin ông cho phép cháu cưới vợ.
Lão rung chuông. Basque hé cửa. Lão nói:
— Gọi con gái ta vào đây.
Một thoáng sau, cái cửa lại mở ra. Cô con gái đến nhưng không vào.
Marius đứng yên không nói năng gì, hai tay buông thõng, vẻ mặt như mặt
một phạm nhân. Ông già đi lại trong phòng. Ông quay nhìn con gái mà nói:
— Không có gì. Đây là ông Marius. Hãy chào ông ta đi. Ông ta muốn lấy
vợ. Thôi chị ra đi.
Giọng nói đanh và khàn của ông già chứng tỏ ông ta giận đến cực điểm.
Người dì hoảng hốt nhìn Marius, tựa hồ như chưa nhận ra cháu. Rồi bà biến
đi đường nào mất, không nói một câu, không làm một cử chỉ, nhanh hơn một
cọng rơm bị gió mạnh thổi đi.
Bấy giờ lão Gillenormand lại đứng tựa vào lò sưởi:
— Anh lấy vợ à! Hai mươi mốt tuổi, lấy vợ! Anh đã thu xếp như vậy, chỉ
còn đến đây xin phép. Để cho hợp thức mà! Xin mời ông ngồi xuống. Phải
rồi! Từ khi tôi không được vinh dự gặp mặt ông cho đến nay thì đã xảy ra
một cuộc Cách Mạng. Bọn Cách Mạng các ông đã thắng. Chắc là ông phải
bằng lòng chứ! Chắc là ông thuộc về phái Cộng Hòa từ ngày ông là Nam