tám mươi tuổi rồi". Hình như trong thâm tâm cụ thầm ước được sống hết
ngày trời trước khi bán hết sách trong tủ. Nỗi buồn ngày càng tăng. Chỉ có
một lần cụ vui.
Hôm ấy cụ ra đường với quyển sách của Robert Étienne, bán được ba
mươi lăm xu ở bờ sông Malaquais, và cụ trở về với một quyển sách của Alde
giá bốn mươi xu cụ vừa mua ở đường Grès. Cụ hớn hở khoe với bà
Plutarque:
— Hôm nay tôi nợ năm xu.
Hôm ấy cụ nhịn đói. Cụ vốn có chân trong Hội Trồng Cây. Trong hội,
người ta biết cụ túng thiếu. Chủ tịch của hội đến thăm cụ, hứa sẽ trình bày
với Bộ Trưởng Bộ Nông Thương Nghiệp, và đã trình bày thật. Ông Bộ
Trưởng kêu: "Lẽ nào lại để như vậy! Tôi biết chứ. Một nhà bác học lão
thành, một nhà thực vật học, một ông già hiền lành. Ta phải giúp ông ta mới
được!" Hôm sau, cụ nhận được thiếp mời dự tiệc tại nhà Bộ Trưởng. Cụ
mừng quá, vừa khoe tờ thiếp với bà Plutarque, vừa run:
— Chúng ta thoát nạn rồi!
Đến ngày hẹn, cụ tới dinh Bộ Trưởng. Cụ nhận thấy cái cravate nhàu nát,
bộ quần áo cũ kỹ và đôi giầy đánh bóng bằng lòng trắng trứng của mình làm
bọn lính hầu ngạc nhiên. Không ai hỏi cụ, kể cả Bộ Trưởng. Đến khoảng
mười giờ tối, trong khi vẫn chờ đợi một lời hỏi thăm, cụ nghe tiếng bà Bộ
Trưởng, một người đàn bà xinh đẹp mặc áo hở cổ mà cụ không dám đến gần.
Bà ta nói:
— Cụ già kia là ai vậy?
Nửa đêm, cụ đi bộ về nhà dưới trời mưa tầm tã. Lúc đi dự tiệc, cụ phải
bán một cuốn Elzévir để trả tiền xe ngựa.
Đêm nào, trước khi đi ngủ, cụ cũng quen đọc vài trang cuốn Diogène
Laërce của cụ. Cụ khá sành tiếng Hy Lạp, đủ để thưởng thức những điểm
đặc biệt trong văn bản sách đó. Cụ không còn thú vui nào khác. Mấy tuần
trôi qua. Đột nhiên bà Plutarque lăn ra ốm. Không có tiền mua bánh mì đã
buồn lắm rồi, không có tiền mua thuốc lại càng buồn hơn. Một tối, thầy
thuốc kê một thứ thuốc đắt tiền quá. Rồi thì bệnh tình trở nặng cần phải có
người săn sóc. Cụ Mabeuf mở tủ sách. Không còn gì nữa. Quyển sách cuối
cùng đã bán rồi, chỉ còn độc quyển Diogène Laërce. Cụ cắp cuốn sách độc