II
LÀM GÌ DƯỚI VỰC NẾU KHÔNG KHÁO CHUYỆN
Mười sáu năm đáng kể trong sự giáo dục ngầm của bạo động, tháng sáu
1848 đã khôn hơn tháng sáu 1832 nhiều lắm. Bởi vậy chiến lũy phố
Chanvrerie chẳng qua là một bản phác, một bào thai so sánh với hai chiến
lũy khổng lồ mà chúng tôi vừa lược tả, nhưng hồi bấy giờ, nó đã ghê gớm
lắm.
Dưới sự trông nom của Enjolras - bởi vì Marius chẳng còn nhìn tới gì
nữa, - nghĩa quân đã lợi dụng đêm tối không những để sửa chữa lại chiến lũy
mà còn bồi đắp thêm. Chiến lũy được xây cao lên thêm sáu tấc. Nhiều thanh
sắt cắm vào đá xây chiến lũy tua tủa như những ngọn giáo chĩa mũi ra đằng
sau. Từ khắp nơi, mọi vật phá hoại đều được mang về, chồng thêm vào, làm
cho cảnh chằng chịt bên ngoài càng thêm rối rắm. Sau khi được chữa lại một
cách tài tình thì cái pháo đài bên trong giống như bức thành, bên ngoài như
bụi rậm. Người ta đã xếp lại các bậc đá để có thể trèo lên đỉnh chiến lũy như
trèo lên một bức thành.
Chiến lũy đã được thu dọn lại. Người ta xếp bớt đồ đạc cho gian phòng
thấp đỡ chật chội. Nhà bếp được đem làm phòng quân y. Người bị thương
đều được băng bó xong. Thuốc súng vương vãi trên mặt đất, trên bàn đều
được nhặt nhạnh lại. Người ta còn đúc đạn, làm vỏ đạn, xé giẻ làm băng,
phân chia các vũ khí rơi rớt, dọn dẹp bên trong pháo đài, thu nhặt các mẩu
đồ hư hỏng. Xác chết cũng được mang đi, chất thành đống ở ngõ Mondétour,
vẫn còn thuộc về nghĩa quân. Mặt đường chỗ ấy một thời gian rất lâu về sau
vẫn còn đỏ lòm dấu máu. Trong số người chết có bốn quốc dân quân ngoại
ô. Enjolras bảo lột quân phục của chúng để riêng ra một nơi. Enjolras
khuyên mọi người ngủ hai tiếng đồng hồ. Lời khuyên của anh là một mệnh
lệnh. Tuy vậy, chỉ ba bốn người chợp mắt một chốc thôi. Feuilly dùng hai
giờ ấy để khắc vào bức tường trước mặt quán rượu mấy chữ: “Các dân tộc
muôn năm!" Chữ đục bằng đinh vào đá tảng, mãi đến năm 1848 còn đọc rõ.
Ba người đàn bà nhân lúc ban đêm im tiếng súng đã lánh đi hẳn, nghĩa
quân vì thế cũng được dễ thở hơn. Họ đã tìm cách trốn vào một nhà nào bên