Chiến lũy Saint Antoine là sấm sét, náo động, chiến lũy Temple là im
lặng. Giữa hai pháo đài đó có cái khác nhau giữa dữ dội và nham hiểm. Cái
này là một miệng hùm, cái kia là một mặt nạ. Nếu công nhận cuộc khởi
nghĩa tháng sáu khổng lồ và tăm tối gồm có một nỗi giận dữ và một câu đố,
thì người ta thấy trong chiến lũy thứ nhất có một con rồng và sau chiến lũy
thứ hai có một con nhân sư. Hai pháo đài ấy do hai người xây dựng, là
Cournet và Barthélemy. Cournet dựng chiến lũy Saint Antoine, Barthélemy
dựng chiến lũy Temple. Mỗi chiến lũy là hình ảnh con người xây dựng nó.
Cournet là một người cao lớn, vai rộng, mặt hồng hào, quả đấm to nặng,
gan dạ, trung trực, mắt nhìn thật thà và dữ dội. Quả cảm, cương nghị, dễ
giận, mau tự ái, một con người dễ gần gũi nhất, một chiến sĩ đáng gờm nhất.
Chiến tranh, xung sát làm cho ông dễ thở và vui tính. Ông từng là sĩ quan hải
quân và nghe ông nói, thấy ông cử động, người ta đoán được ông ở đại
dương mà ra và từ bão táp mà đến, ông tiếp tục làm bão tố trong chiến đấu.
Trừ cái thiên tài thì trong Cournet có cái gì của Danton cũng như ở Danton
có cái gì của Hercule trừ tính cách thần kinh.
Barthélemy gầy còm, xanh xao, trầm mặc, vốn là loại bé con xấu số, lúc
mười bảy tuổi bị một viên cảnh binh tát tai, đã rình mò hắn, chờ hắn và giết
hắn và bị kết án khổ sai. Ra tù, anh ta dựng nên cái chiến lũy ấy.
Về sau, thật là bất hạnh, ở Luân Đôn hai con người lưu vong ấy gặp nhau
trong một cuộc đấu tay đôi thảm hại và Barthélemy đã giết Cournet. Ít lâu
sau, bị cuốn vào một thảm kịch yêu đương bí ẩn - một tai họa trong đó luật
pháp ở Pháp nhìn thấy những trường hợp giảm khinh còn luật pháp ở Anh thì
chỉ thấy tử tội - Barthélemy bị treo cổ. Cơ cấu xã hội u ám như thế đấy: Nó
làm cho cái con người có trí thông minh rõ ràng là vững chãi, có thể là lớn
lao nữa vì thiếu thốn về vật chất, tối tăm về đạo lý đã bắt đầu cuộc đời trong
lao tù ở Pháp và kết liễu trên giá treo cổ Anh. Trong những dịp ra mặt,
Barthélemy chỉ mang một lá cờ: Lá cờ đen.