vẫn mạnh hơn niềm vui đã phục vụ nhân loại.
Chuyện nọ bắt sang chuyện kia, quanh đi quẩn lại. Một phút sau, nhân
mấy câu thơ của Jean Prouvaire, Combeferre chuyển sang so sánh những
người dịch sách Géorgiques,
Raux với Cournand, Cournand với Delille,
vạch ra mấy đoạn do Malfilâtre dịch, đặc biệt là đoạn nói về cái chết phi
thường của César.
Rồi nhân cái tên César, câu chuyện lại trở về Brutus.
Combeferre nói:
— César bị giết là đúng. Đối với César, Cicéron nghiêm khắc, và như thế
là phải. Nghiêm khắc nhưng không đả kích. Zoïle chửi Homère, Mævius
chửi Virgile, Visé chửi Molière, Pope chửi Shakespeare, Fréron chửi
Voltaire, chuyện ganh ghét, hằn thù là chuyện “muôn năm cũ” thôi. Những
kẻ tài ba lỗi lạc khiến cho người ta nguyền rủa, những bậc vĩ nhân ít nhiều
cũng đều bị người đời xỉa xói. Nhưng Zoïle và Cicéron là hai người. Cicéron
thực hiện công lý bằng tư tưởng cũng như Brutus thực hiện công lý bằng
lưỡi gươm. Riêng tôi thì tôi phê phán cái kiểu thực hiện công lý thứ hai này,
cái kiểu dùng gươm, nhưng thời cổ đại chấp nhận. César đã xâm phạm sông
Rubicon, đã ban chức tước như chính chức tước là của mình trong khi nó là
của nhân dân, đã không đứng dậy khi Thượng Viện bước vào phòng họp, thì
César đã có những hành động của một vị vua, và hầu như của một bạo chúa,
như Eutrope đã nói, «regia ac pene tyrannica.» Đó là một vĩ nhân. Mặc kệ
hoặc càng hay cũng đều được: Bài học càng có giá trị. Hai mươi ba vết
thương của ông ta không làm cho tôi cảm động bằng bãi nước bọt của Chúa
Jésus Christ bị những kẻ đi ở tát. Càng nhục, càng rõ là thần thánh.
Bossuet đứng cao hơn những người khác, trên một đống đá, tay cầm
súng, thét:
— Hỡi Cydathenæum, hỡi Myrrhinus, hỡi Probalinthe, hỡi những duyên
dáng mỹ miều của AEantide! Chao ôi! Ước gì ta đọc được thơ của Homère
như một người Hy lạp xứ Laurium hay xứ Édaptéon!