Điều rất lạ là cái vô biên đủ làm cho họ vừa lòng. Cái thế giới hữu hạn
thiết yếu đối với con người, họ không nghĩ đến, họ không biết đến, mặc dù
trong thế giới hữu hạn có sự yêu thương ấp ủ lẫn nhau, mặc dù trong thế giới
hữu hạn có sự tiêu hóa tuyệt vời. Họ không ý thức được cái vô định hình
thành do sự hòa hợp vừa thần thánh vừa phàm tục của hữu hạn và vô biên.
Miễn họ được đối diện với cảnh bao la vô tận là họ sung sướng. Không bao
giờ vui mừng, họ chỉ biết ngây ngất tự quên mình trong cảnh vô cùng tận; đó
là mục đích sống của họ. Lịch sử nhân loại đối với những người này chỉ mới
là một bình diện bộ phận của vũ trụ. Cái Tất Cả không nằm trong ấy; cái Tất
Cả thực sự ở ngoài lịch sử nhân loại. Con người chỉ là một chi tiết trong Tất
Cả, ích gì mà lo nghĩ về cái chi tiết ấy? Người đau khổ ư? Có lẽ. Nhưng hãy
nhìn sao Thiên Ngưu đương mọc. Người mẹ này cạn sữa, đứa hài nhi kia chỉ
còn thoi thóp chút hơi; tôi biết đâu! Hãy để cho tôi soi kính hiển vi cái lát gỗ
tùng này, nó giống y như một hình hoa kỳ diệu! Anh hãy xem thử có tấm
mặt ren nào sánh kịp không?
Những nhà tư tưởng này quên yêu thương. Tinh tú ảnh hưởng họ đến nỗi
họ không nghe tiếng trẻ kêu khóc. Thượng Đế che lấp tâm hồn họ. Họ là một
dòng trí tuệ những trí tuệ vừa nhỏ bé vừa vĩ đại. Horace,
Goethe
thuộc dòng họ ấy, có lẽ Fontaine
nữa. Những người ích kỷ lẫm liệt của
thế giới vô biên ấy là khán giả bàng quang của những cảnh đau xót ở trên
đời; hễ trời đẹp thì họ không nhìn thấy bạo chúa Néron, cũng chẳng trông
thấy giàn hỏa thiêu người ở ngay trước mắt; họ tìm những tia sáng phản
chiếu trên máy chém trong lúc chém người, họ không nghe tiếng kêu, tiếng
khóc, tiếng rên siết, tiếng chuông giục mõ dồn; đối với họ, trên đời này cái gì
cũng tốt cả vì là có mùa xuân, cái gì cũng vừa lòng cả miễn là trên đầu còn
mây vàng mây tía; họ kiên quyết vui sướng mãi cho đến khi nào sao thôi
sáng và chim hết kêu. Hạng người ấy là những người tối tăm một cách rạng
rỡ. Họ không ngờ rằng họ đáng thương hại. Quả thế thật. Không khóc thì
làm sao mà nhìn thấy? Phải khâm phục họ và ái ngại cho họ, như khi ta
khâm phục và ái ngại cho những sinh vật vừa mù vừa sáng, không có hai con
mắt dưới lông mày như chúng ta, mà lại có một đốm sao giữa trán.
Có một đôi người bảo cái chủ nghĩa bàng quan của các nhà tư tưởng ấy là
một thứ triết lý siêu đẳng. Đồng ý. Nhưng đó là một trạng thái siêu đẳng