III
NGƯỜI BỊ THEO DÕI
Nói cho đúng, thời ấy đội cảnh binh, ngay trong những hoàn cảnh nghiêm
trọng nhất, bao giờ cũng nghiêm chỉnh làm đầy đủ nhiệm vụ kiểm soát giữ
gìn đường sá, theo dõi gian phi, không hề nao núng. Một cuộc bạo động
không phải là một cớ để người cảnh binh có thể thả lỏng cho bọn gian phi
muốn làm gì thì làm, và để bỏ mặc xã hội muốn ra sao thì ra vì lý do là
Chính Phủ đang lâm nguy. Công việc bình thường tiến hành song song với
công việc đột biến, không hề sai lạc hay lúng túng. Giữa một cuộc biến động
chính trị lớn lao vừa chớm nở, với sự đe dọa của một cuộc Cách Mạng, một
viên cảnh sát vẫn “theo hút” một tên kẻ cắp, không hề bị cuộc Cách Mạng và
chiến lũy ngăn trở.
Ấy, việc đó đã xảy ra chiều ngày 6 tháng sáu trên bờ sông Seine, phía bãi
bên phải, qua cầu Invalides một chút. Bây giờ thì ở đó không còn bãi nữa.
Cảnh tượng nay đã thay đổi.
Trên bờ sông có hai người ở cách nhau một quãng, hình như đang rình
nhau, người nọ muốn lẩn tránh người kia. Người đi trước cố tách đi cho xa,
người đi sau lại gắng sức tiến đến sát gần. Thật giống như một ván cờ chơi
im lặng, đứng xa nhau mà tính nước. Không ai có vẻ vội vàng; cả hai người
cùng đi chậm rãi, hình như mỗi người đều sợ mình đi nhanh sẽ làm cho đối
thủ càng đi nhanh hơn. Trông cảnh tượng ấy, người ta tưởng như nhìn một
con thú đói đang đuổi mồi mà làm như không đuổi gì cả. Con mồi thì lại xảo
trá, lúc nào cũng đề phòng. Họ giữ khoảng cách giữa con chó săn và con
chồn bị đuổi. Kẻ cố thoát bé người, dáng yếu; kẻ cố bắt cao lớn, dáng khỏe
bạo, đụng chạm với nó một lần cũng mệt lắm.
Kẻ bị săn, biết mình yếu hơn, cố tránh kẻ đi săn; hắn tránh mà lòng đầy
căm giận. Có ai chú ý nhìn hắn, sẽ thấy trong mắt hắn hằn lên mối hận thù
phải đi trốn và vẻ hăm dọa mặc dù sợ sệt. Lúc ấy bờ sông vắng tanh, không
một bóng người qua lại; ngay trên các xà lan đậu đó đây, cũng không có
bóng thủy thủ hay phu bốc hàng.
Chỉ đứng trên bến tàu trước mặt mới nhìn được rõ hai người ấy. Đứng