không thể thôi thúc cho chóng xong. Nó kéo dài hàng mấy giờ, tưởng như
không bao giờ hết. Nó bắt đứng bạn giữa lúc bạn đang tự do giữa trời, giữa
lúc bạn đang tươi vui, khỏe mạnh. Nó kéo chân bạn xuống. Mỗi lúc bạn cố
ngoi lên, mỗi khi bạn thét lên, nó lại lôi bạn sâu xuống thêm chút nữa. Nó
siết chặt thêm, như muốn trừng trị bạn, vì bạn đã kháng cự lại. Nó từ từ rút
người ta trở về trong lòng đất, rút mà để cho người ta đủ thì giờ nhìn trời xa,
nhìn cây cỏ, nhìn đồng ruộng xanh tươi, nhìn khói tỏa từ làng mạc nơi đồng
bằng, nhìn cánh buồm trên mặt bể, nhìn chim bay, chim hót, nhìn mặt trời
với mây xanh. Sa lầy là một hầm mộ biến thành thủy triều, từ trong lòng đất
dâng lên vùi người sống. Mỗi một phút là một người phu huyệt tàn nhẫn. Kẻ
khốn khổ thử ngồi xuống, thử nằm xuống, thử bò lên, mỗi cử động mỗi chôn
vùi hắn sâu thêm. Hắn vùng dậy, hắn càng thụt xuống; hắn cảm thấy bị nuốt
chửng. Hắn rú lên, van vỉ, kêu trời; hắn vặn tay, tuyệt vọng. Kìa, hắn đã
ngập đến bụng; cát lại lên đến ngực; chỉ còn là bức tượng bán thân. Hắn giơ
tay cao lên, thốt lên những tiếng rên giận dữ, cấu móng vào bãi muốn bấu
víu trên thứ bùn tro ấy, hắn tì khuỷu tay xuống để mong thoát khỏi cái bọc
mềm nhũn ấy, hắn khóc nấc lên điên dại; cát cứ dâng cao. Cát ngập đến vai,
cát ngập đến cổ; bây giờ chỉ còn thấy cái mặt. Mồm há ra kêu cát đầy vào
mồm; yên lặng. Mắt còn mở to nhìn, cát bịt lấy mắt; tối tăm. Cái trán cứ
chìm dần; một mớ tóc phất phơ trên cát; một bàn tay chọc thủng mặt cát nhoi
lên động đậy, vẫy vẫy rồi mất tăm. Ôi! Cảnh hủy diệt vô cùng thê thảm của
một kiếp người!
Có khi là một kỵ sĩ sa lầy cùng với con ngựa; có khi là bác đánh xe sa lầy
cùng với chiếc xe; cái gì cũng chìm xuống cát được; không phải nước mà
đắm. Đất nhận chết người trên cạn. Đất thấm biển là đất làm bẫy giết người.
Trên mặt trông nó như đồng bằng, nhưng lòng nó mở ra như biển cả. Vực
thẳm thường có những phản bội như vậy. Cái việc thảm đạm bất kỳ như trên
có thể xảy ra ở bãi bể, và cũng có thể xảy ra trong cống ngầm Paris, cách đây
ba mươi năm. Trước khi có những công trình tu bổ to lớn khởi công từ năm
1833 thì đường hầm Paris có thể sụt đất bất thình lình.
Nước rỉ vào những lớp đất lân cận, nếu đất đó xốp quá; lòng máng dù xây
đá như ở cống cũ hay tráng vôi chịu nước trên nền béton như ở cống mới, vì
không có điểm tựa nên cũng oằn xuống, oằn ở đây tức là nứt, và nứt tất là