VI
KHOẢNG ĐẤT SỤT
Jean Valjean đứng trước một khoảng đất sụt.
Thời ấy, lớp dưới đất khu Champs Élysées bị sụt là thường bởi vì nơi ấy
khó lòng làm công tác trị thủy, đất lại quá nhão, nên những kiến trúc ngầm
khó mà bền được. Đất ở đây còn dễ sụt hơn cả những bãi cát ở khu Saint
Georges, - ở Saint Georges, phải xây móng béton để khắc phục - và dễ sụt
hơn cả những lớp đất sét hôi thối ở khu Martyrs, - đất ở đây lỏng quá, phải
bắc một cái ống bằng gang mới xây được con đường ngầm dưới đại lộ
Martyrs. Năm 1836, khi người ta phá hủy cái cống đá ngầm dưới khu Saint
Honoré - hiện Jean Valjean đang đứng ở cống này, - để xây lại, vùng cát
động kéo dài từ lớp dưới đất khu Champs Élysées đến sông Seine, đã cản trở
công việc rất nhiều, công trình phải kéo dài tới sáu tháng mới xong. Việc này
làm cho dân phố hai bên kêu như cháy đồi, nhất là dân có lâu đài, có xe
ngựa. Công trình xây dựng không phải chỉ gặp khó khăn, mà còn nguy hiểm
nữa. Phải nói thêm dạo đó trời mưa ròng rã bốn tháng rưỡi liền và nước sông
Seine lũ đến ba lần.
Jean Valjean bị sa lầy, bởi vì hôm trước mới mưa rào. Cát dưới nền
không đỡ nổi, nên đường lún xuống và nước ứ lại. Nước rỉ vào, đất sụt
xuống. Đường lòng máng nứt ra và lún xuống bùn. Trên một đoạn bao
nhiêu? Không thể nói được. Nơi này tối tăm hơn bất cứ nơi nào khác. Rõ là
một hố bùn trong một hang tối. Jean Valjean thấy sàn đá dưới chân lẩn đâu
mất. Ông bước vào bùn. Trên là nước, dưới là bùn. Thế nào cũng phải vượt
qua nơi này. Không thể quay lại được, Marius sắp chết; còn Jean Valjean thì
mệt nhoài. Vả chăng còn biết đi đâu? Jean Valjean tiến lên. Vũng lầy, thoạt
bước mấy bước, hình như không sâu lắm. Nhưng càng đi, chân càng ngập
sâu thêm. Chẳng mấy chốc, bùn đã đến cổ chân, nước thì lên quá đầu gối.
Ông cứ đi, hai tay cố hết sức nâng Marius lên khỏi mặt nước. Bây giờ bùn đã
đến khuỷu chân, nước đến thắt lưng. Không thể lùi lại được nữa. Càng đi
càng thụt xuống mãi. Bùn vừa đủ đặc để chịu sức nặng của một người, tất
nhiên không chịu nổi sức nặng của hai người. Nếu là một mình Marius hay