Jean Valjean thì may ra có thể thoát được. Jean Valjean cứ tiến lên, tay vác
người sắp chết, có lẽ đã chết rồi cũng nên. Nước ngập đến nách. Chìm nghỉm
mất! Ngập dưới bùn sâu như thế, ông thấy khó cử động quá đỗi. Bùn đặc đỡ
thân người nhưng cũng cản tay chân người. Ông vẫn nâng cao Marius lên, và
dốc hết sức lực, ông tiến lên được, nhưng lại lún sâu thêm. Chỉ còn cái đầu
và hai tay nâng Marius là nhô khỏi mặt nước. Trong những bức tranh xưa vẽ
trận đại hồng thủy, thấy có một bà mẹ nâng con như thế.
Jean Valjean thụt sâu xuống nữa; ông ngửa mặt lên cho nước khỏi vào
miệng và để thở; trong cảnh tối mò mò ấy, ai trông thấy ông chắc sẽ tưởng
như thấy một cái mặt nạ lềnh bềnh trôi trên bóng tối. Ông mờ mờ thấy cái
đầu lủng lẳng và gương mặt tái nhợt của Marius. Ông gắng sức một cách
tuyệt vọng và đưa mạnh chân tới; chân ông đụng phải một vật gì răn rắn.
Một chỗ đứng được. Vừa kịp. Ông gượng vùng lên, còng người lại bám chặt,
bíu riết chỗ rắn ấy một cách điên cuồng. Ông cảm thấy như chỗ ấy là bậc
thang đầu tiên để trở về cuộc sống.
Chỗ rắn chìm dưới bùn sâu mà Jean Valjean vấp phải lúc nguy nan nhất,
chỗ ấy chính là chỗ lòng cống lại bắt đầu nhô lên ở phía bờ bên kia; lòng
cống không gãy, nó chỉ uốn cong xuống như một tấm ván, vẫn liền một tấm.
Những nền lát đá tốt oằn xuống mà vẫn chắc như vậy. Đoạn móng cong này
tuy ngập nước một phân nhưng chắc chắn; nó làm thành như một bậc thềm,
đã đứng lên đó được thì chắc sống. Jean Valjean trèo lên đường dốc đó và
đến được bên kia bờ vũng bùn.
Ra khỏi vũng nước, ông vấp phải một hòn đá, ngã quỵ xuống. Ông thấy
quỵ xuống như thế là phải, ông quỳ một lát, tâm hồn chìm đắm trong một lời
cầu nguyện Thượng Đế. Ông đứng dậy, rét run cầm cập, cứng đờ ra, hôi
thối, người sắp chết đè trĩu còng lưng, người bê bết bùn từ đầu đến chân
nhưng tâm hồn chói lọi một thứ ánh sáng lạ lùng.