6 tháng sáu ở cửa Cống Lớn. Chẳng nhận được báo cáo gì về việc ấy, Sở coi
là một chuyện bịa đặt. Người ta ngờ rằng bác đánh xe đã bịa ra chuyện ấy.
Một anh đánh xe thì gì mà chẳng làm để lĩnh tiền thưởng, kể cả cái việc bịa
đặt theo trí tưởng tượng. Thế nhưng việc ấy là việc có thật; Marius không
còn nghi ngờ gì nữa, trừ khi chàng không phải là chàng nữa, như ta vừa nói.
Trong việc bí hiểm kỳ dị này, chẳng cắt nghĩa được gì hết. Cái người ấy,
cái người bí mật ấy, bác xe đã trông thấy chui từ dưới Cống Lớn lên, lưng
cõng Marius chết ngất, lại bị viên cảnh sát kia đứng rình bắt quả tang đang
cứu một người bạo động, người ấy bây giờ ra sao? Còn viên cảnh sát nữa?
Tại sao ông ta cứ im hơi lặng tiếng như vậy? Người kia đã trốn thoát chăng?
Hay là ông ta đã mua chuộc viên cảnh binh? Tại sao người ấy bây giờ lại
tuyệt nhiên không tin tức gì đến cho Marius biết. Marius là người đã mang
ơn tái tạo của ông cơ mà? Tấm lòng vô tư của người ấy tái tạo cũng kỳ diệu
không kém gì tấm lòng tận tụy hy sinh. Tại sao người ấy không trở lại? Có lẽ
người ấy coi thường việc đền ơn, đúng. Nhưng có ai lại coi thường lòng biết
ơn! Bác xe bảo: Đêm tối om om. Lão Basque và Nicolette thì khiếp sợ chỉ
nhìn cậu chủ máu me đầm đìa. Chỉ có ông gác cổng, lúc ấy cầm ngọn nến soi
cái cảnh thảm đạm Marius về nhà, chỉ có ông là nhìn người kia; ông ta nói
như sau: “Trông người ấy chết khiếp lên được”.
Marius bảo giữ lại bộ quần áo đẫm máu chàng mặc trong người lúc người
ta chở chàng về nhà, hy vọng sau này có thể dùng được gì trong việc điều tra
tìm kiếm chàng. Nhìn kỹ áo thì thấy một vạt bị xé rất kỳ lạ. Mất một mảnh.
Một buổi tối, Marius kể lại cho Cosette và Jean Valjean nghe câu chuyện lạ
lùng của mình, biết bao tin tức thu lượm mà công vẫn hoài công. Khuôn mặt
lạnh lùng của ông “Fauchelevent” lại càng làm cho chàng bực mình. Anh hét
to lên, giọng run run gần như giận dữ:
— Phải, người ấy dù là ai đi nữa, cũng đã tỏ ra vô cùng cao cả. Thưa cụ,
cụ có biết người ấy đã làm gì không? Người ấy chợt đến như một vị thiên
thần. Người ấy hẳn đã xông vào cuộc chiến đấu, cướp tôi ra, mở cửa cống
kéo tôi ra, cõng tôi chui trong đường cống. Người ấy chui trong những con
đường hầm ghê tởm trên một dặm rưỡi, phải cúi xuống vũng lầy nhơ nhớp,
thưa cụ, trên một dặm rưỡi, lại cõng một cái xác chết ấy, thế thôi. Cái xác ấy
là tôi đây. Người ấy đã tự bảo: “May ra còn chút hơi tàn thoi thóp, mình sẽ